Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại Phiên giao dịch nông sản an toàn do HND TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Ánh Ngọc |
Tăng giá trị
Được sự hỗ trợ của HND TP Hà Nội, HND xã Vân Hà đã xây dựng thành công mô hình Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả. Nhằm duy trì và phát triển mạnh nhãn hiệu tập thể “Bưởi Phúc Thọ”, tổ hội đã tích cực vận động tuyên truyền về chủ trương dồn điền đổi thửa tích tụ ruộng đất quy mô lớn, thay đổi cách làm, tư duy trong sản xuất, hình thành vùng và liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ bảo đảm tính ổn định. Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả Vân Hà - ông Cao Văn Ngân cho biết, năm 2017, tổ hội cung ứng cho thị trường 48.000 quả bưởi Diễn với doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, trừ chi phí, trung bình mỗi thành viên có mức thu nhập trên 200 triệu đồng.
“Rau hữu cơ Sóc Sơn” là nhãn hiệu nông sản đầu tiên của Hà Nội do HND xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn là chủ sở hữu. Phó Chủ tịch HND xã Thanh Xuân Lê Minh Quyền cho biết, sản phẩm rau hữu cơ được người tiêu dùng ưa chuộng, nên giá bán luôn gấp 2 - 2,5 lần so với các loại rau trồng theo phương thức truyền thống. Trung bình mỗi năm, địa phương xuất bán cho thị trường 400 tấn rau hữu cơ, đem lại thu nhập trên dưới 6 tỷ đồng cho hội viên. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp hội viên yên tâm sản xuất, HND xã Thanh Xuân đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các công ty và điểm bán sản phẩm hữu cơ trên địa bàn TP.
Đến nay, HND TP Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 18 mô hình tổ hội nghề nghiệp, 383 mô hình kinh tế tập thể, 155 mô hình phát triển kinh tế mới, 200 câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trên cơ sở đó xây dựng thành công 28 nhãn hiệu tập thể do HND các cấp làm chủ sở hữu như: Gà đồi Ba Vì, miến dong Minh Hồng, bưởi Chương Mỹ, bánh tẻ Phú Nhi…
Cần hỗ trợ nhiều hơn
Hàng năm, HND TP Hà Nội đã mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quản lý thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm nói riêng. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, tạo dựng thương hiệu nông sản cho địa phương cũng được hình thành. Hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều nông sản sạch. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn do khâu sản xuất thiếu tính ổn định, chất lượng nông sản không đồng đều, mối liên kết giữa các hộ sản xuất còn lỏng lẻo.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch HND huyện Ba Vì Phan Thị Hải Yến kiến nghị, các cấp HND TP cần tập trung vận động hội viên nhận thức tốt hơn nữa về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng thương hiệu nông sản. Đa số nông dân vẫn còn xem nhẹ vấn đề này, khi tổ chức hội hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thương hiệu thì bà con chưa mặn mà. Đến nay, dù có nhiều nông sản đặc sản, nhưng Ba Vì mới chỉ có số ít sản phẩm xây dựng được thương hiệu. Còn Chủ tịch HND huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch trăn trở: "Sản phẩm cá của địa phương có chất lượng, nhưng đến nay nông dân vẫn bán ra thị trường tự do vì chưa có thương hiệu nên giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái".
Phó Chủ tịch Thường trực HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng cho rằng, để nâng cao vai trò HND trong việc tham gia hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản là nhiệm vụ không dễ. Vì vậy, cán bộ hội, nhất là cán bộ cơ sở phải kiên trì, sáng tạo, cũng như cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía cấp ủy, chính quyền, DN đồng hành cùng nông dân trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu.