Masan Group (HoSE: MSN) thông báo The CrownX (công ty chi phối tại VinCommerce và Masan Consumer Holdings) ghi nhận doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng trong năm 2020, tăng trưởng hơn 18%.
Trong đó VinCommerce lần đầu ghi nhận EBITDA dương 0,2 % trong quý IV/2020 với lợi nhuận 16 tỷ đồng. Nếu không tính chi phí quản lý chung, các siêu thị VinMart+ và VinMart đạt biên EBITDA dương lần lượt là 4,1% and 2,8%.
Tập đoàn cho biết việc đóng cửa 744 cửa hàng VinMart+ và 12 siêu thị VinMart trong năm 2020 giúp cải thiện EBITDA gần 424 tỷ đồng trong năm 2021. Ngược lại số lượng mở mới là 84 cửa hàng VinMart+ và 2 siêu thị VinMart.
Trong các cửa hàng VinMart+ đóng cửa năm 2020, 42% nằm ở TP Hồ Chí Minh và 40% nằm ở các thành phố cấp 2. Đây là các điểm bán có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn khoảng 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng.
Chuỗi VinMart, VinMart+ lần đầu có EBITDA dương.
Doanh thu chuỗi VinMart+ tăng gần 10% trong quý IV và tăng hơn 42% trong cả năm 2002 dù đã đóng cửa 660 cửa hàng. Riêng các cửa hàng mở trước 2019 có doanh thu trung bình 7,3 triệu đồng/m2/tháng, tăng trưởng 10,7%. Điều này là nhờ việc giải phóng hàng tồn trong quý II/2020 và triển khai danh mục hàng hóa, chính sách giá mới trong quý III/2020.
Doanh thu chuỗi VinMart giảm 8,6% trong quý cuối năm. Trong đó hơn 95% doanh số sụt giảm do các siêu thị bên trong trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail. Trước đây các siêu thị tại Vincom đóng góp 66% vào tổng doanh số thì con số trong quý IV/202 còn 56%.
Doanh thu bán lẻ của các nhãn hàng riêng trong năm 2020 tại siêu thị VinMart đạt tỷ trọng 10% và 8,1% tại cửa hàng mini VinMart+. Masan Group cho biết phát triển nhãn hàng riêng là một trọng tâm chiến lược để tăng lượng khách đến siêu thị và tăng trưởng lợi nhuận trong trung hạn.
Doanh thu Masan Consumer Holdings lần đầu vượt 1 tỷ USD
Thành viên chủ chốt của MSN là Masan Consumer Holdings (MCH) có doanh thu thuần lần đầu tiên đạt mức 1 tỷ USD trong năm 2020, tăng hơn 27%. Tập đoàn cho biết tăng trưởng này nhờ đổi mới và đầu tư vào thương hiệu, các phát kiến mới đóng góp 43% vào tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp.
Thịt chế biến và thực phẩm tiện lợi là những ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất trong quý vừa qua.
Doanh thu thuần và EBITDA của MCH tăng trưởng lần lượt 27,2% và 22,4% so với năm 2019. Tăng trưởng của MCH đạt hơn 20% trong 4 quý liên tiếp nhờ vào khả năng đổi mới sáng tạo và đầu tư vào thương hiệu.
Các phát kiến mới đóng góp 43% vào tăng trưởng doanh thu của MCH trong năm 2020, đặt nền móng vững chắc cho tăng trưởng hai chữ số trong trung hạn. Thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình là các danh mục thúc đẩy phần lớn tăng trưởng cho MCH.
Dự báo kết quả tài chính năm 2021
Tại bản báo cáo tài chính lần này, MSN đã đặt mục tiêu tham vọng, đó là doanh thu của MSN dự kiến tăng trưởng từ 20-40%. Mức tăng trưởng được dự báo này là do căn cứ trên sự tăng trưởng mạnh mẽ của The CrownX; Mảng kinh doanh thịt tăng tốc, dự kiến đóng góp từ 20 – 40% doanh thu của MML.
Masan đặt mục tiêu biên EBITDA từ 15-20% và biên lợi nhuận thuần từ 3-5% nhờ vào VCM đạt biên EBITDA dương, và mảng kinh doanh thịt của MML tiếp tục cải thiện biên EBITDA. Tiềm năng thúc đẩy lợi nhuận từ việc giảm nợ vay thông qua tăng vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư chiến lược.
Năm 2021, Masan đặt mục tiêu tăng trưởng 20-40%.
Với thành viên The CrownX thì VCM đặt kế hoạch doanh thu thuần dự kiến tăng 15%-20% do tăng trưởng doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu, mở rộng hệ thống cửa hàng minimart và tái định vị mô hình siêu thị VinMart; MCH đặt kế hoạch doanh thu thuần dự kiến tăng 15%-20% nhờ vào các phát kiến mới, chiến lược cao cấp hóa danh mục thực phẩm và mở rộng quy mô ngành hàng thức uống và sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Biên EBITDA dự kiến giữ ổn định do công ty đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá phát kiến mới.
Còn MML, doanh thu thuần đặt kế hoạch tăng trưởng từ 25-50% nhờ mảng kinh doanh thịt tiếp tục mở rộng quy mô. Doanh thu của mảng kinh doanh thịt dự kiến đóng góp 20-40% vào tổng doanh thu của MML, được thúc đẩy bởi khả năng thâm nhập thị trường sâu hơn của thịt mát (gồm thịt heo và thịt gia cầm) và mở rộng danh mục thịt chế biến. Biên EBITDA của mảng thịt được cải thiện nhờ vào các động lực kể trên, mảng thức ăn chăn nuôi duy trì biên EBITDA từ 10 – 12%.
Tăng lớn nhất sẽ là MHT, doanh thu thuần dự kiến tăng trưởng từ 50 – 100% từ việc sáp nhập HCS và triển vọng thị trường hàng hóa dần khởi sắc. Biên EBITDA được cải thiện nhờ vào các động lực kể trên cùng với sở hữu chuỗi cung ứng linh hoạt.