Đồng loạt tẩy chay
Tại Anh, lý do Chính phủ và hàng loạt tập đoàn hàng đầu ở nước này gồm: Marks and Spencer, Ngân hàng HSBC, hãng tin BBC, tập đoàn báo chí Guardian và thương hiệu McDonald UK dừng các hợp đồng quảng cáo trên YouTube và Google Display Network… là vì họ không muốn quảng cáo của mình xuất hiện bên cạnh video mang nội dung cực đoan, tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố.
Tiếp đó, 2 nhà mạng hàng đầu nước Mỹ là AT&T và Verizon cũng lên tiếng phản đối và rút các quảng cáo trên Google. AT&T tuyên bố sẽ gỡ bỏ quảng cáo khỏi mọi dịch vụ của Google, ngoại trừ dịch vụ tìm kiếm. Nhà mạng Verizon cũng thể hiện rõ quan điểm khi nhanh chóng gỡ các quảng cáo của mình trên YouTube. Verizon cho biết họ không muốn thương hiệu của mình bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Nhiều DN khổng lồ như PepsiCo, Walmart, Starbucks, Dish, GM, Johnson & Johnson… cho biết đã ngừng sử dụng dịch vụ quảng cáo trên YouTube. Những DN này đang nổi giận khi quảng cáo của họ bị đặt cạnh các video mang thông điệp tiêu cực, kỳ thị người đồng tính và bài Do Thái, phân biệt chủng tộc. “Điều này hoàn toàn đi ngược lại những giá trị mà chúng tôi theo đuổi”, đại diện Walmart cho biết. Không chỉ tạm ngừng sử dụng dịch vụ quảng cáo trên YouTube, Walmart, Pepsi và một số công ty khác tuyên bố sẽ ngừng mua gói quảng cáo của Google liên kết với hơn 2 triệu trang web đến từ các bên thứ ba.
Trước đó, các nhãn hàng lớn của Việt Nam như Vinamilk, Vinhomes, Ford Việt Nam, các công ty quảng cáo hàng đầu như WPP, MindShare, Sun Group, Daiko Việt Nam cũng đồng loạt dừng tất cả quảng cáo trên YouTube, đồng thời yêu cầu Google phải có giải pháp để đảm bảo quảng cáo của mình không xuất hiện trên những video có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo thống kê của Bộ TT&TT, Bộ đã phát hiện và đang tiến hành phân loại hơn 8.000 clip có nội dung không lành mạnh được đăng tải trên kênh youtube.com. Trước mắt, Bộ đã gửi hơn 2.200 đường link clip xấu độc yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ.
Doanh thu sụt giảm và hành động chậm chạp
Tại cuộc làm việc với Bộ TT&TT mới đây, phía Google cam kết sẽ tích cực hợp tác với Bộ TT&TT trong việc gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật. Hiện, Google tuyên bố sẽ thắt chặt giám sát để ngăn chặn các thông tin mang tính thù hận, gây hấn và xúc phạm xuất hiện trên các nội dung trực tuyến của hãng. Giám đốc Kinh doanh của Google Philipp Schindler cho biết, Google đã bắt đầu thay đổi cài đặt mặc định vị trí xuất hiện quảng cáo trên các nội dung video nhằm đáp ứng mức độ an toàn thương hiệu cao hơn, đồng thời loại trừ những nội dung có khả năng gây phản cảm mà các nhà quảng cáo có thể không muốn hiển thị…
Những nỗ lực của Google xem ra vẫn chưa làm yên lòng các thương hiệu lớn, cho tới thời điểm này có khoảng 250 hãng tham gia làn sóng tẩy chay Youtube và Google. Những thiệt hại mà Google phải hứng chịu từ làn sóng tẩy chay quảng cáo YouTube đã được các nhà phân tích chỉ ra bằng sự sụt giảm liên tiếp của cổ phiếu công ty mẹ Google - Alphabet. Chỉ trong phiên cuối tuần, cổ phiếu Google mất hơn 3%, xuống sát ngưỡng 800USD, có lúc mã này mất giá tới 9%. Tính chung tuần qua, vốn hóa thị trường Google đã mất khoảng 39 tỷ USD xuống gần 570 tỷ USD.
Đây là cái giá mà DN này phải trả cho sự buông lỏng quản lý. Chính đại diện Google cũng thừa nhận họ lúng túng trong việc kiểm soát nội dung mà người dùng internet đăng tải lên mạng vì mỗi phút trôi qua là có thêm 400 giờ clip tung lên mạng, việc Google dùng từ khóa để chặn lọc không hiệu quả, số lượng video up lên mạng quá lớn, những video có nội dung xấu được xếp vào các nhóm giải trí nên đã qua mặt thuật toán Google.
Để có lại các đơn hàng quảng cáo lớn thì Google cần phải hành động tích cực hơn nữa thay vì chỉ gửi lời xin lỗi khách hàng và gỡ bỏ các video có nội dung xấu độc một cách chậm chạp.
Tại Việt Nam, Google mới xử lý được hơn 40 clip trong số khoảng 8.000 clip độc hại. Còn Tạp chí Times cho biết có 6 video trong tổng số hơn 200 video được phát hiện mang nội dung phân biệt người Hồi giáo và Arab xuất hiện trên các sản phẩm của Google, đã không được gỡ bỏ trong vòng 24 giờ theo như quy định của Liên minh châu Âu.