|
Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Công Hùng |
Doanh nghiệp Việt kêu ca, khối FDI không có ý kiến
Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 quy định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN được trừ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh, cộng với lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã khảo sát 37.000 DN FDI là công ty con của các công ty đa quốc gia đóng tại Việt Nam, hiện chưa nhận được một văn bản kiến nghị nào về vấn đề này. Các kiến nghị chủ yếu tập trung tại một số DN, Tập đoàn lớn của Việt Nam dùng nhiều vốn vay. Tất nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc sử dụng vốn vay là cần thiết nhưng DN cũng cần phải tính toán lại các khoản vay giúp lành mạnh tình hình tài chính DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì thế, quy định khống chế vốn vay cũng một phần để hạn chế tình trạng vốn mỏng của DN.
“Chúng ta vào cuộc chơi toàn cầu nên không có lý do gì để DN Việt đứng ngoài cuộc. Các DN muốn làm ăn toàn cầu nhưng thực hiện chính sách riêng thì rất khó”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn |
Theo đại diện Tổng cục Thuế, trong hàng nghìn DN có giao dịch liên kết, khối các DN FDI không DN nào kêu về việc này. “Chúng ta vào cuộc chơi toàn cầu nên không có lý do gì để DN Việt đứng ngoài cuộc. Nghị định 20 không những chống chuyển giá, hạn chế xói mòn nguồn thu mà còn giúp lành mạnh nền tài chính quốc gia, hạn chế việc DN vốn mỏng, chủ yếu đầu tư dựa vào vốn vay ngân hàng”.
Tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia. Tuy nhiên, theo đại diện Tập đoàn này, trên thực tế Nghị định 20, đặc biệt là khoản 3 điều 8 lại có ảnh hưởng nhiều đến DN trong nước, trong đó có là các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ con. “Chúng tôi đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn như y tế, giáo dục, nông nghiệp… Trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận do đó toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế TNDN. Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng đến DN, bởi nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế" - đại diện Vingroup cho hay.
Cũng là DN có giao dịch liên kết, tuy nhiên, chi phí lãi vay từ bên phát sinh độc lập khác, công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) lại kiến nghị đến những ảnh hưởng của quy định khống chế chi phí lãi vay 20% tại Nghị định 20 ở một khía cạnh khác. Theo đại diện này, công ty có phát sinh giao dịch liên kết với hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ là Vietcombank. Còn lại tất cả chi phí lãi vay trong kỳ đều là từ bên phát sinh độc lập khác không hề có phát sinh lãi vay với các bên liên kết. Thuế suất thuế TNDN với công ty mẹ và các công ty liên kết và VCBS đều bằng nhau và bằng 20%.
“Tôi đánh giá mục tiêu cũng như động lực để các công ty thực hiện các hoạt động chuyển giá gần như không có. Tuy nhiên, qua trao đổi với cơ quan thuế thì công ty vẫn phải chịu giới hạn chi phí lãi vay theo Nghị định 20 và vẫn phải kê khai và nộp thuế bổ sung sau khi loại các phần chi phí vượt quá giới hạn này” - vị này nói. Theo VCBS, quy định này là không phù hợp, hạn chế hoạt động của DN và tạo ra sự bất bình đẳng giữa DN có giao dịch liên kết và không có giao dịch liên kết.
Tại Hội nghị, các DN có ý kiến đề xuất, sớm sửa đổi quy định khống chế lãi vay tại Nghị định 20. Nếu việc sửa đổi được áp dụng thì đề xuất việc hồi tố cho giai đoạn trước từ khi ban hành đến khi sửa đổi.
Nhiều “chiêu” chuyển giá liên quan đến hạch toán chi phí vốn vay
Trả lời về các kiến nghị này, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu với kinh tế thế giới, DN Việt Nam cũng như DN FDI có rất nhiều công ty có hoạt động đầu tư liên kết.
Trong bối cảnh này, Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở kiến nghị của các nước OECD và các nước G20 yêu cầu các nước tập trung chống chuyển giá và thoái mòn nguồn thu. Việt Nam là nước thứ 100 gia nhập diễn đàn BEPS về chống xói mòn nguồn thu. BEPS đưa ra quy định khống chế lãi vay trên từ 10- 30% và Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc chọn mức trung bình là 20% trên cơ sở khảo sát 12.000 Tập đoàn trên toàn cầu. “Nói như vậy để thấy, quy định này hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta đã tính tới thực tế của Việt Nam” - ông Tuấn khẳng định.
Về vấn đề chi phí vay giữa các bên độc lập theo kiến nghị của VCBS, ông Tuấn cho rằng, khi mà các DN có quan hệ liên kết và có giao dịch liên kết thì việc vay giữa các bên liên kết và bên độc lập là phải xử lý như nhau.
Kinh nghiệm của nước Anh từ những năm 2000. Khi đó, nước này chỉ áp dụng khống chế giao dịch liên kết. Và toàn bộ các công ty đa quốc gia đã tái cơ cấu các khoản nợ qua ngân hàng thành các khoản vay giáp lưng khiến chủ trương của Chính phủ Anh về khống chế chi phí lãi vay các giao dịch liên kết thời điểm đó bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã thanh tra một DN FDI có chuỗi siêu thị rất nổi tiếng tại Việt Nam. Theo đó, DN này dồn lợi nhuận vào một công ty, Tập đoàn với tỷ lệ lãi vay trên 40 - 50% tổng chi phí. Và sau khi trả lãi vay cho công ty mẹ tại một nước cũng gần Việt Nam - nơi có thuế suất DN thấp thì hạch toán lỗ từ khi thành lập đến thời điểm thanh tra.
Ngoài ra, một số công ty khác lại thực hiện vốn hóa các khoản vay giáp lưng để hạch toán khấu trừ chi phí lãi vay. Đó là lý do vì sao chúng ta không chỉ khống chế các khoản vay giao dịch liên kết mà các khoản vay độc lập nhưng biến tướng với các khoản vay đã được áp dụng” - ông Tuấn nói.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và sửa đổi chính sách phù hợp hơn. Tuy nhiên, bà Mai cũng thông tin, việc khống chế lãi vay trên thế giới đã quy định rồi. “Chúng tôi đã giao các cơ quan liên quan mời một số DN, Tập đoàn trong nước trao đổi để lắng nghe và xem DN đã hiểu đúng quy định chưa, ảnh hưởng ra sao để có những điều chỉnh phù hợp” - đại diện Bộ Tài chính nói.