Không để gián đoạn thương mại
Khi số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam gia tăng, Mỹ đã yêu cầu nhiều nhân viên tại Việt Nam phải quay về nước, trong đó có ông Timothy Westbrook, nhân viên Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS).
Trong khi, để mọi loại trái cây từ Việt Nam được xuất vào thị trường này, ngoài yêu cầu về vùng trồng, nhà máy đóng gói được cấp mã số, thì sản phẩm phải qua chiếu xạ có sự giám sát, kiểm tra chất lượng của chuyên gia APHIS.
Cả nước hiện chỉ có Công ty cổ phần Sơn Sơn sở hữu nhà máy chiếu xạ đạt các yêu cầu trên, nhưng không có ông Timothy nên việc kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Mỹ đã bị đình trệ khoảng 10 ngày.
Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng của trái cây Việt.
Trước phản ánh về thiệt hại nếu quá trình ách tắc này diễn ra lâu hơn nữa từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với các cơ quan liên quan của Mỹ để đào tạo trực tuyến cho nhân viên thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Hà Nội để “vào vai” thay thế tạm thời ông Timothy.
Các chuyên gia thay thế này bay vào TP Hồ Chí Minh và thực hiện kiểm dịch tại nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn 2 ngày mỗi tuần, thay vì 6 ngày mỗi tuần như hồi ông Timothy còn làm việc. Giải pháp tình thế này phần nào giải quyết được lượng hàng đang nằm chờ xuất đi Mỹ (ước khoảng 2.000 tấn từ ngày 25/3 đến đầu tháng 9/2020).
“Từ đầu năm đến nay, dù bị ách tắc kể trên, nhưng xuất khẩu trái cây đi Mỹ vẫn đạt hơn 5.100 tấn, giảm sút không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, lượng hàng sẽ tăng cao hơn năm ngoái”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói.
Nỗ lực nhiều hơn để tăng tốc
Covid-19 được kiểm soát, mùa cao điểm bắt đầu và nỗ lực của doanh nghiệp là ba yếu tố sẽ giúp đưa trái cây Việt xuất vào Mỹ tăng trưởng cả về sản lượng lẫn giá trị trong thời gian tới.
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, từ đầu năm đến nay, sản lượng trái cây do đơn vị này xuất khẩu tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là sầu riêng đông lạnh xuất sang Mỹ.
Mùa cao điểm xuất khẩu trái cây từ Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Dự kiến, ngoài sầu riêng đang dự trữ, Công ty Chánh Thu còn chuẩn bị một số mặt hàng khác như xoài, vú sữa, thanh long và nhãn.
Việt Nam hiện có 6 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
“Nhìn chung, nhu cầu thị trường có giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đa dạng sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn thực phẩm, bảo quản sau thu hoạch. Mỗi yếu tố tác động một chút tạo sự khác biệt cũng là lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp”, bà Vy chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T cho biết, sản lượng xuất khẩu của đơn vị này giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo Vina T&T đang kỳ vọng vào giai đoạn cao điểm sắp tới có thể bù đắp lại.
“Khó khăn lớn nhất lúc này là tính bất ổn của đại dịch có thể kéo tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm sức mua. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải đầu tư cho phát triển dài hạn. Một tín hiệu vui là nhiều thị trường có nhu cầu tiêu thụ nông sản Việt Nam, đặc biệt khả năng canh tác tiêu chuẩn cao của nông sản Việt Nam dần được cải thiện”, ông Tùng nói.
Đây cũng là bước đà vững chắc cho quá trình tăng tốc xuất khẩu trái cây nói riêng và nông sản nói chung từ Việt Nam trong tương lai.
Việt Nam hiện có 6 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài. Dự kiến bưởi sẽ là loại trái cây thứ 7 trong danh sách này.