Mức vốn điều lệ “siêu khủng” mà ông Quốc Anh đăng ký đang gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận, nguyên nhân là vì con số hơn 500.000 tỷ đồng này còn cao hơn vốn hóa của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) có vốn điều lệ 121.520 tỷ đồng; Tập đoàn VinGroup đến nay cũng chỉ có vốn điều lệ hơn 34.000 tỷ đồng; Hay như ngân hàng lớn như Vietcombank vốn điều lệ cũng chỉ khoảng 37.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường hơn 360.000 tỷ đồng…
Nhiều chuyên gia tài chính nhận xét, một số tập đoàn kinh tế, tài chính lớn thế giới có thể có số vốn lớn như vậy song cũng rất ít. Tại Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên có doanh nghiệp đăng ký thành lập với con số khủng thế này; và trong tình hình hiện nay là khó khả thi, phi thực tế.
Doanh nghiệp vừa đăng ký thành lập ngày 20/5 với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng
Vậy, dưới góc độ pháp luật, doanh nghiệp trên có vi phạm gì hay không?
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Lê Ngô Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Lê và Cộng sự cho biết, tinh thần của pháp luật doanh nghiệp hiện nay là giao cho tổ chức, cá nhân quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về việc tổ chức, quản lý, điều hành trong suốt quá trình hoạt động của mình.
Cụ thể, tại thời điểm đăng ký kinh doanh, việc đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp bao nhiêu là quyền của họ (ngoại trừ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định). Hết thời gian luật định (90 ngày) mà không góp đủ vốn đã đăng ký thì doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục khai báo giảm đúng với vốn điều lệ thực góp. Trường hợp doanh nghiệp không tiến hành bước này, thì phải chịu chế tài phạt 10-20 triệu đồng (theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP), và đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Luật sư Lê Ngô Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Lê và Cộng sự
Do đó, trong trường hợp đăng ký vốn điệu lệ “siêu khủng” như trên, phải chờ thời điểm đến hạn (90 ngày) thì mới xem xét đến việc doanh nghiệp có vi phạm hành vi bị nghiêm cấm hay không; cụ thể là hành vi “kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký …” được quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật doanh nghiệp.
Đồng thời, Luật sư Trung lưu ý: hiện nay, khi cấp lại Giấy đăng ký kinh doanh (Giấy ĐKKD) thì thủ tục không bắt buộc phải thu lại giấy cũ do hết hiệu lực. Trường hợp doanh nghiệp cố tình đăng ký mức VĐL cao, mặc dù sau đó có làm thủ tục điều chỉnh, nhưng kết quả là vẫn lưu giữ cả 2 Giấy ĐKKD (cũ và mới). Điều này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp sử dụng Giấy cũ với VĐL cao trong các hồ sơ chào thầu, chào giá với đối tác để tạo sự tin tưởng và hướng đến việc giao kết hợp đồng. Đến khi không có khả năng thực hiện thì mọi việc mới vỡ lẽ và thiệt hại cũng đã xảy ra khó có thể khắc phục.
Để hạn chế rủi ro có thể gặp phải những doanh nghiệp cố tình sử dụng “chiêu thức” trên, thì trước khi ký kết giao dịch, đối tác/khách hàng cũng nên cẩn trọng kiểm tra khả năng tài chính thực tế và sự minh bạch của các doanh nghiệp thông qua các kênh thông tin và công cụ khác, nhất là trong các giao dịch có giá trị lớn.
3 công ty mà ông Nguyễn Vũ Quốc Anh góp vốn, gồm: CTCP Tập đoàn đầu tư công nghệ tự động toàn cầu (trụ sở tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, quận 1, TP Hồ Chí Minh), Vốn điều lệ: 500.000 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn kinh doanh tự động toàn cầu (trụ sở tại tầng 72, toà nhà Landmark 81, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), Vốn điều lệ: 25.000 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn công cụ tự động toàn cầu (địa chỉ 109 Đường số 3, Phường Phước Bình, quận 9 (nay là TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Vốn điều lệ:100 tỷ đồng. |