Theo đó, ngày 31/12/2021, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) đã ký quyết định giải thể công ty. Thông báo này cũng đã được Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ghi nhận sau đó một tuần.
Lý do giải thể được đưa ra là do các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu.
Thông tin thành lập Auto Investment Group với số vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, con số này tương đương khoảng 21,7 tỷ USD
Trước đó, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận kinh doanh của một cá nhân tại hàng loạt doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ lên đến 525.100 tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Bộ Công an và Công an TP để xác minh vụ việc.
Cụ thể, chỉ tính riêng ba hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, gồm Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu, Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu, Công ty CP Tập đoàn Công cụ Tự động Toàn Cầu đã có số vốn đăng ký lên đến 525.100 tỷ đồng, đều do Nguyễn Vũ Quốc Anh (SN 1986) đứng tên đại diện pháp luật cho cả ba doanh nghiệp thành lập.
Sở hữu số cổ phần tại ba doanh nghiệp nói trên của ông Anh lên đến 500.076 tỷ đồng (năm trăm ngàn không trăm bảy mươi sáu tỷ đồng).
Theo thông tin từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) có trụ sở chính tại tầng 46, Tòa nhà Bitexco Financial Tower có vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng và Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn cầu (GAB Group) vốn 25.000 tỷ đồng trụ sở tại Tầng 72, Toàn nhà Landmark 81.
Hai công ty này đều cùng có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất phần mềm cùng các ngành nghề khác có liên quan đến in ấn, sản xuất linh kiện điện tử, bán buôn bán lẻ máy vi tính, đồ điện gia dụng, tư vấn máy vi tính, dịch vụ công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu...
Theo thông tin trên hệ thống đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sẽ góp 499.998 tỷ đồng vào Auto Investment Group và 23.000 tỷ đồng vào GAB Group. Số vốn còn lại ở cả hai công ty sẽ do hai cá nhân góp là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện.
Auto Investment Group đặt trụ sở tại Tòa nhà Bitexco Financial Tower - Ảnh: Website Bitexco
Nếu góp đủ vốn như đăng ký, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn lớn nhất Việt Nam, vượt qua nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay như Vingroup (gần 400.000 tỷ đồng), Vietcombank (hơn 366.000 tỷ đồng), Hoà Phát (hơn 230.000 tỷ đồng)…
Liên quan đến vụ việc nói trên, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Lê Ngô Trung - Giám đốc Công ty Luật Trung Lê và Cộng sự cho biết, Luật Doanh nghiệp cho phép các cổ đông sáng lập công ty có quyền tự do đăng ký vốn góp khi thành lập doanh nghiệp. Trong đó, việc góp vốn đủ hay không sẽ được hậu kiểm.
Cụ thể, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông không góp vốn đúng cam kết, doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ. Nếu không, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh có thể xử phạt hành chính.
“Sau 90 ngày, nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, theo Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đối với trường hợp không đăng ký đủ và đúng thời gian quy định sẽ bị phạt bổ sung tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng”, Luật sư Trung nói.
Đặc biệt, Luật sư Trung đánh giá cao việc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các cơ quan chức năng liên quan (Bộ Công An và Công an TP), bởi đây có thể là động thái chủ động cùng nhau phối hợp, giám sát và sớm có biện pháp ngăn ngừa thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật gây ra (nếu có). Vì theo quy định hiện nay, việc đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu là vẫn được xem quyền của doanh nghiệp và thực tế đến thời điểm này chưa thể kết luận doanh nghiệp này khai khống vốn điều lệ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hay không.
“Thời gian tới, cơ quan Nhà nước cần giám sát chặt chẽ, có hướng xử lý triệt để, thậm chí là chế tài để phòng ngừa xảy ra trường hợp doanh nghiệp lợi dụng quy định của pháp luật đăng kí vốn điều lệ “khủng” để PR hình ảnh, vụ lợi cá nhân, nhưng thực tế không có”, Luật sư Trung nhấn mạnh.