Nhằm hưởng ứng kỷ niệm 11 năm ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam 29.11, ngày 27/11/2018 tại TPHCM, VP Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TPHCM đã phối hợp với Tổng Cục Quản lý thị trường và Công ty Vina CHG tổ chức hội thảo với chủ đề “Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0” Hội thảo lần này đặc biệt có sự góp mặt và chỉ đạo của VP thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cùng đại diện các cơ quan Quản lý Nhà nước trung ương và địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp và nhiều cơ quan thông tấn, báo đài quan tâm đến công tác chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Đây là dịp để các cơ quan Quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cùng nhìn lại thực trạng của công tác chống hàng giả hiện nay, cùng nhau đối thoại và trao đổi để đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất giúp ngăn chặn vấn nạn này, cũng như giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự thay đổi của nền kinh tế đang dần chuyển hướng vận hành bởi những phương thức mới, hiện đại hơn, kèm theo những cơ hội và cả nguy cơ, thách thức không hề nhỏ.
“Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0” được tổ chức ngày 27/11.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nhấn mạnh đến công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu doanh nghiệp và chống lại nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, bảo vệ mình trước các thủ đoạn sao chép, làm giả tinh vi của các đối tượng vi phạm. Đặc biệt, nhiều giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 được "hiến kế" ngay tại diễn đàn.
Theo ông Thân Đức Công, phụ trách Cục nghiệp vụ Tổng Cục Quản lý thị trường, lực lượng Quản lý thị trường cần phải nắm rõ thông tin, nắm rõ địa bàn để xác định được phương án và xây dựng những kế hoạch kiểm tra chuyên đề. Từ đó, phát hiện sớm nhất và ngăn chặn kịp thời những hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước nói chung. Đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ 4.0 các đối tượng rất tinh vi nên lực lượng Quản lý thị trường cũng cần được nâng cao nghiệp vụ.
Đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường cũng kiến nghị các cấp thẩm quyền kiện toàn, có những chế tài, văn bản vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này mạnh hơn nữa, đủ sức răn đe các đối tượng tội phạm.
Theo ban chỉ đạo 389 quốc gia, 10 tháng đầu năm đã phát hiện, xử lý 79.000 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Theo ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trên thực tế, ở một số nơi, một số thời điểm, công tác chống hàng giả của địa phương bị sao nhãng. Trong khi đó, lực lượng chức năng thì mỏng. Ông Trương Văn Ba cho biết trung bình mỗi cán bộ ở lực lượng quản lý thị trường TPHCM phải phụ trách tới 3.000 doanh nghiệp. Với số lực lượng nhân sự như thế, chỉ riêng việc ghé qua từng doanh nghiệp còn không đủ thời gian, chưa kể là công cụ thực hiện công tác thiếu.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, công cuộc chống hành giả nếu không có doanh nghiệp đi cùng thì rất khó khăn. Nói đến xâm phạm bản quyền thì người bị hại chính là doanh nghiệp, những người chủ thương hiệu, chủ nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ.
Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đồng hành, chưa bảo vệ thương hiệu của mình. Chính vì thế, đây cũng là cơ hội để hàng giả xâm nhập vào thị trường.
Ông Trần Giang Khuê cho rằng, doanh nghiệp phải tự chủ động bảo vệ thương hiệu cho mình
Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện TPHCM – Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, doanh nghiệp phải tự chủ động bảo vệ thương hiệu cho mình. Công nghệ là một trong những biện pháp cần thiết để phòng và chống.
"Có thể là cài đặt mật khẩu, có thể sử dụng tem, có thể sử dụng mã Corde, sử dụng PR Corde, hay sử dụng cả blockchain - đó là công nghệ mới trong thời kỳ 4.0 để bảo vệ thương hiệu cho mình", ông Trần Giang Khuê nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG, công ty chuyên cung cấp giải pháp chống hàng giả cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả thì sẽ không thể kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả, hàng nhái...