Theo đó, đây là số lỗ quý lớn nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý từ khi niêm yết hồi cuối năm 2011 đến nay. Lần gần nhất FLC thua lỗ cũng đã diễn ra từ quý II/2011, cách đây gần 10 năm.
Tập đoàn FLC hiện đang phải vay ngắn hạn gần 3.500 tỷ đồng và vay dài hạn hơn 3.200 tỷ đồng.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của FLC cho thấy, doanh thu thuần quý I năm nay đạt gần 4.800 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn của FLC lại vượt xa so với doanh thu, lên tới hơn 6.200 tỷ đồng. Vì vậy, FLC lỗ gộp hơn 1.400 tỷ đồng và lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính 1.884 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của FLC, có 2 mảng chính là doanh thu bán hàng hóa và bất động sản, và doanh thu cung cấp dịch vụ. Trong quý 1 vừa qua, mảng bán hàng hóa và bất động sản vẫn có doanh thu cao hơn giá vốn (3.489 tỷ đồng và 3.409 tỷ đồng). Tuy nhiên, mảng dịch vụ chỉ đem về doanh thu 1.278 tỷ đồng, trong khi giá vốn lên tới 2.805 tỷ đồng. Phần lớn mảng dịch vụ của FLC chính là hãng hàng không Bamboo Airways.
Bên cạnh việc kinh doanh dưới giá vốn, các chi phí của FLC cũng tăng cao, trong đó công ty phải trích lập dự phòng 224 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ phải trích lập dự phòng 15 tỷ đồng. Lãi tiền vay cũng tăng mạnh, từ 87 tỷ đồng lên 131 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn này âm tới 1.885 tỷ đồng.
Sau khi hợp nhất với các hoạt động kinh doanh, FLC báo lỗ trước và sau thuế lần lượt 1.887 tỷ và 1.892 tỷ đồng, trong khi con số cùng kỳ năm trước vẫn báo số dương. Thậm chí, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ - FLC cũng là âm 1.172 tỷ đồng trong quý I.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của Tập đoàn FLC đạt 33.549 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Tập đoàn này hiện cũng phải tăng thêm hàng trăm tỷ đồng vay tài chính ngắn hạn để cân đối với phần tăng tài sản, hiện số vay tài chính của FLC vào khoảng 6.720 tỷ đồng.