Nỗi lo hàng Việt thua trên sân nhà
Trò chuyện với Báo Kinh tế & Đô thị, bà Vũ Kim Hạnh nhớ lại, năm 1996, khi Việt Nam gia nhập ASEAN, để cổ vũ cho ý thức “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước, chương trình bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã ra đời.
Đến năm 2007, sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, bên cạnh những cơ hội, các DN trong nước phải đối diện hàng loạt những thách thức mang tính sống còn. Đứng trước những đòi hỏi trong tình hình mới cần có một đơn vị xứng tầm để đảm nhận sứ mệnh quan trọng, ngày 14/4/2010 Hội DN HVNCLC được thành lập.
Chủ tịch Hội DN HVNCLC Vũ Kim Hạnh: "DN là cột trụ của nền kinh tế, phải nuôi dưỡng cho DN mạnh thì nền kinh tế quốc gia mới mạnh". Ảnh: NVCC
Trên hành trình phát triển 28 năm, HVNCLC ngày càng gần gũi với DN, uy tín cộng đồng ngày càng lớn, nhiều DN đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu thì nay đã đứng top đầu của nền kinh tế hoặc ngành hàng như Vinamilk, PNJ, Dược Hậu Giang, Hóa Mỹ Phẩm Thorakao, Mỹ Hảo, vải Thái Tuấn, Thời trang An Phước, Việt Tiến...
Tuy nhiên, cùng với niềm vui và phấn khởi, trong xu thế thương mại điện tử và hội nhập quốc tế, nhiều nỗi lo vẫn luôn hiện hữu. Bà Hạnh cho biết, sản phẩm trong nước, các DN sản xuất và bán lẻ Việt Nam đang "ngộp thở" trước “cơn sóng thần” hàng tiêu dùng xuyên biên giới của Trung Quốc.
Với chiến lược các kho hàng gần người mua nhất, thời gian giao hàng nhanh nhất, Trung Quốc đã xây nhiều kho hàng sát biên giới Việt Nam: “Nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng Việt Nam sẽ trở thành “mồi ngon” cho các kho hàng đang tồn dư của Trung Quốc, còn DN Việt mất thế chủ động ngay trên sân nhà” - bà Hạnh nói và nhấn mạnh, thực tế là hàng Việt bán tại thị trường nội địa đang chịu sức ép cạnh tranh không kém hàng xuất khẩu.
“Để các DN đứng vững trong bối cảnh hội nhập, điều đầu tiên là DN phải sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý để người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên chỉ sự cố gắng của cộng đồng DN là chưa đủ để làm nên chiến thắng, mà cần có sự ưu ái từ phía người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN làm ăn chân chính từ Chính phủ” - bà Hạnh thấm thía sau nhiều năm đồng hành cùng nhiều DN vừa và nhỏ.
Lan tỏa kinh tế xanh đến cộng đồng doanh nghiệp
Ngoài quyết tâm phục vụ tốt người tiêu dùng trong nước, HVNCLC còn đặt mục tiêu chinh phục người tiêu dùng thế giới. Tức là HVNCLC còn là hàng được sản xuất đạt những tiêu chí xanh, được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Đó sẽ là động lực mạnh mẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu của mình về tăng trưởng xanh hướng đến tương lai.
Duy Anh Food là một trong những thương hiệu được vinh dự nhận giải thưởng HVNCLC, không chỉ được sự yêu mến từ phía người tiêu dùng trong nước, các sản phẩm của Duy Anh Food còn nhận được sự tín nhiệm của người tiêu dùng quốc tế lẫn giới chuyên gia. Ảnh: Duy Anh Food
“Chính phủ hiện đang đưa nước ta tiến sâu vào quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế đã mở hết sức, trao đổi hàng hóa đa phương. Cạnh tranh tại thị trường nội địa đã hiển nhiên là cuộc cạnh tranh quốc tế, do đó hàng Việt phải tính đường “cạnh tranh quốc tế” ngay khi ra tới cửa xưởng sản xuất. Đây là quá trình không dễ dàng và cũng không được mất kiên nhẫn” - bà Hạnh nói.
Xác định kinh tế xanh là xu thế tất yếu, nên ngay từ năm 2016, chương trình HVNCLC đã đặt ra “tiêu chuẩn cứng” là những tiêu chí cần thiết, không thể thiếu trong cạnh tranh nên đã lập ra tiếp một chương trình song hành với “HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn” là “HVNCLC - Chuẩn hội nhập” như là hai yếu tố căn cơ nhất. Hàng Việt Nam có đủ hai sức mạnh này là đủ điều kiện bước vào sân chơi thị trường thế giới.
Sau hành trình dài miệt mài và đầy nỗ lực, đến nay, Hội DN HVNCLC dưới sự dẫn dắt của bà Hạnh được nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đánh giá là có nhiều DN tiên phong trong sản xuất xanh.
“Chính việc chuẩn hóa các khâu trong sản xuất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu “xanh” của thị trường đã đưa DN Việt đến với kinh tế xanh. “Chữ “xanh” bây giờ đến với các ngành nghề. Làm sao để giảm phát thải, rác thải ra môi trường xung quanh. Người tiêu dùng khi bỏ phiếu bình chọn cho DN HVNCLC thì yếu tố tốt hay không tốt cho môi trường đã nằm trong sự cân nhắc của họ rồi” - bà Hạnh chia sẻ.
Gần 3 thập kỷ đồng hành cùng hàng Việt, điều bà Hạnh mong mỏi chính là thúc đẩy các DN hướng đến chuyên nghiệp hóa từ khâu quản lý sản xuất đến cung ứng, phát triển và quảng bá thương hiệu, theo đuổi cảm nhận và trải nghiệm của người tiêu dùng; đồng thời triển khai các kế hoạch về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển theo xu thế mới.