Tham gia tranh tài vòng chung kết có 37 dự án đến từ 25 tỉnh, thành ở khắp các vùng miền cả nước. Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA), phối hợp cùng Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức, cùng sự tham gia, đồng hành của nhiều doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao…
Sau 3 vòng bán kết ở 3 khu vực, Cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh năm 2023 đã tìm ra danh sách 37 dự án vào thi chung kết
Trước đó, sau 3 vòng bán kết ở 3 khu vực là Bến Tre, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh năm 2023 đã tìm ra 37 dự án vào thi chung kết. Trong đó, tỉnh Bắc Kạn là địa phương có số dự án vào chung kết nhiều nhất, với 4 dự án; Đồng Tháp, Quảng Nam mỗi địa phương 3 dự án; TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa mỗi địa phương 2 dự án, các tỉnh còn lại 1 dự án.
Chia sẻ tại buổi chung kết cuộc thi, bà Vũ Kim Anh – Phó Giám đốc Trung tâm BSA, phụ trách Cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh cho biết, trong 10 năm hành trình của khởi nghiệp xanh, chúng ta đã xây dựng được một lực lượng doanh nông trẻ, giỏi về nhiều mặt ở các địa phương từ Bắc tới Nam. Họ biết ứng dụng công nghệ, để tạo ra những sản phẩm mới, có tiêu chuẩn cao, thậm chí nhiều dự án đã có chứng nhận hữu cơ từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản,…
Nhân dịp này, chúng tôi ra mắt cuốn sách “Khởi nghiệp xanh, 10 năm hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”, với rất nhiều câu chuyện kể về hành trình xây dựng, phát triển những bạn doanh nông này cho đến ngày hôm nay.
Dự án “Đồng hành cùng làng nghề truyền thống & nâng tầm đặc sản huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng” của tác giả Hoàng Bảo Trâm
Trong khi đó, thành viên Ban giám khảo, bà Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE) cho rằng: “So với năm trước, số lượng dự án vào chung kết năm nay nhiều hơn. Bản chất của các dự án cũng có nhiều tiến bộ. Các bạn có áp dụng công nghệ, quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững. Chúng tôi kỳ vọng rằng, các bạn không chỉ là những doanh nông có kiến thức, yêu sản phẩm của mình mà còn là những doanh nông có tri thức, có thể phát triển, mang sản phẩm của mình ra quốc tế”.
Từ khi phát động Cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh – Lần thứ 9, vào tháng 5 năm 2023, đến cuối tháng 7, có 178 cá nhân và tập thể gửi dự án tham gia, đến từ 36 tỉnh, thành. Kết quả đã chọn ra 108 dự án vào vòng bán kết của 33 tỉnh, thành. Trong đó 51 dự án nhóm, 57 dự án cá nhân. Qua 3 vòng bán kết, tìm ra 37 dự án vào chung kết.
Từ đầu năm BSA đã tổ chức 14 lớp tập huấn tại các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Cao Bằng và Ninh Thuận, Đắk Lắk... Những lớp tập huấn này đã tạo điều kiện để các doanh nông trẻ nâng cao kiến thức và và kỹ năng cần thiết để thực hiện thành công dự án. Chương trình đã lan tỏa thông điệp về khởi nghiệp xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch canh nông, đổi mới sáng tạo phát huy tài nguyên bản địa.
Dự án đầu tiên đang tranh tài tại Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9 – 2023
Năm nay, cơ cấu giải thưởng Cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh có tổng giá trị các giải thưởng lên đến 1.229.000.000 đồng, trong đó 436.000.000 đồng tiền mặt, phân bổ cho 09 giải chính, 30 giải tư vấn hỗ trợ các hoạt động khác. Các dự án thi được giải thưởng có cơ hội tham gia nhiều họat động. Cụ thể như, suất tham gia hội chợ quốc tế có liên quan đến nông nghiệp – thực phẩm; tham gia các lớp học nâng cao kiến thức về phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, thực hành tiêu chuẩn; các chương trình study tour (học thực tế tại doanh nghiệp, nông trường, trang trại có chuyên gia huấn luyện); hay các gói tư vấn thực hành LocalGap, tư vấn xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại; phiếu mua vật tư nông nghiệp và vật dụng văn phòng; cùng với đó là các giải thưởng về thực hiên các phim, youtube, TikTok…
Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9/2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) tổ chức, với sự phối hợp của Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau, cùng sự đồng hành của các Doanh nghiệp HVNCLC, như: Công ty CP Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc, Công ty Lợi Lợi Dân, Tập đoàn Trung Nguyên Legend, Công ty Tư vấn toàn cầu GIBC, Công ty TNHH Tân Nhiên, Công ty Khang Nhi Ý, Công ty TNHH Minh Long 1, Công ty Mỹ thuật Trà Quế, Quỹ đầu tư Touchstone, Chương trình lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP Việt Nam), Tâp đoàn Nam Dương group, Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ và thuong hiệu DIGISO. Đặc biệt, năm nay có nhiều doanh nông trẻ, nhiều dự án đạt giải trong các kỳ thi trước cũng tham gia, với vai trò nhà tài trợ sản phẩm, như: Công ty TNHH SX TM quốc tế Khánh Hà Food, Công ty Cổ phần dừa nước Việt Nam, Công ty TNHH thực phẩm Trí Kiên, Công ty TNHH MTV HYGIE & PANACEE, Công ty TNHH Trà Vinh Farm, Công ty CP thực phẩm Quảng Thanh, Cơ sở Snack vỏ bưởi sấy Phúc Đat, Doanh nghiệp tư nhân Thảo Minh, Công ty TNHH Ecolotus VN… |