Xuất hiện hàng loạt dự án “ma”
Thời gian qua, tình trạng hiến đất làm đường, phân lô bán nền và lập dự án “ma” đã xuất hiện tại một số địa phương như huyện Diên Khánh, Câm Lâm ,Thị xã Ninh Hòa và TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất chưa phù hợp xây dựng nhưng vẫn được chuyển đổi lên đất thổ cư, sau đó làm đường, phân lô.
Xuất hiện hàng loạt dự án "ma", Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo xử lý
Cụ thể tại khu vực huyện Cam Lâm, một loạt dự án "ma" như Cam Lâm Future, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Daimond do công ty Hưng Vượng Holdings giới thiệu; dự án "ma" Cam Đức New Town và Cam Lâm Riverside do công ty Cường Thịnh Land giới thệu… đã tạo ra sự nhầm lẫn cho nhiều nhà đầu tư. Bởi hầu hết các dự án nói trên đều là các lô đất nông nghiệp được chuyển đổi đất ở không đúng với kế hoạch sử dụng đất theo quy hoạch, rồi phân thành nhiều lô bán cho các nhà đầu tư.
Cùng với đó là tình trạng người dân bạt núi, phân lô trên đất rừng sản xuất tại địa bàn TP Nha Trang. Cụ thể, tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, sau một thời gian tạm lắng các vụ bạt núi phân lô bán nền, mới đây, hàng chục nghìn m2 đất rừng sản xuất nằm trên đồi núi ở thôn Phước Hạ tiếp tục bị san ủi khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Trả lời báo chí, ông Bùi Cao Pháp – Phó Chủ tịch xã Phước Đồng cho biết, khu đất bị san gạt có nguồn gốc là đất rừng sản xuất, có diện tích hơn một ha. Thời điểm tháng 6/2021, UBND xã phát hiện khu đất này bị san gạt, đã yêu cầu chủ đất ngừng san gạt đất, trồng cây khắc phục.
Cũng tại xã này, giai đoạn giữa năm 2020 đã xuất hiện cào núi, phân lô bán nền từ đất rừng. Đáng chú ý là trường hợp ông Nguyễn Đức Phán đã san ủi làm mặt bằng, đường bê tông để phân lô bán nền trên đất rừng sản xuất với diện tích hơn 2,8 ha.
Liên quan đến các vấn đề trên, Kết luận của Kiểm toán Nước nước (KTNN) trong quá kiểm toán chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các khu đô thị giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 6/2021 đã chỉ ra nhiều vi phạm về phân lô, tách thửa tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh này.
Theo KTNN, tại TP Nha Trang có trường hợp chuyển mục đích đất nông nghiệp có diện tích trên 700 m2 sang đất ở; cho tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện theo quy định. Qua đó, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư tự ý đầu tư cơ sở hạ tầng mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định.
Tình trạng bạt búi phân lô bán nền tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang vẫn tái diễn
Hay như các lô đất có diện tích lớn tại tổ dân phố Yên Hòa 2 và tổ dân phố Bãi Giếng 1 thuộc thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, KTNN cho biết UBND huyện Cam Lâm đã cho phép sử dụng một phần đất nông nghiệp làm giao thông là không đúng mục đích sử dụng đất, trái quy định pháp luật. Ngoài ra, các lô đất nói trên sau khi chuyển mục đích sang đất ở các hộ không xây dựng nhà ở mà tách thửa, phân lô chuyển nhượng quyền sử đất cho các cá nhân khách nhưng chưa có hộ gia đình, cá nhân nào xây dựng nhà.
Trước đó, hồi tháng 4/2021, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khảnh Hòa về việc công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai của địa phương. Theo đó, đợt thanh tra lần này dự kiến kéo dài trong 30 ngày tại Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận nhằm làm rõ các phản ánh của báo chí về tình trạng bát nháo phân lô, bán nền tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Chấn chỉnh từ cấp ủy
Liên quan đến các vấn đề trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có công văn yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh này chỉ đạo rà soát toàn bộ các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, nhất là vấn đề liên quan đến hạn mức tối thiểu tách thửa đất, hiến đất làm đường giao thông, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tỉnh ủy Khánh Hòa nhận định công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát với tình hình thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền không đúng quy định vẫn xảy ra; công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng chưa được thực hiện thường xuyên, các vi phạm xảy ra nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Cá biệt, có địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, môi trường đầu tư, định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhiều khu đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chuyển sang đất ở để phân lô bán nền được giới thiệu thành các dự án
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh này chỉ đạo rà soát toàn bộ văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế, bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, qua tổ chức thực hiện pháp luật cần kịp thời phát hiện các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, chưa được quy định thống nhất, đồng bộ trong các văn bản, quy định pháp luật để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý. Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp phụ trách, tham mưu công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng nếu có hành vi tiếp tay trục lợi hoặc cố tình vi phạm kể từ sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 22 ngày 3/10/2019 thì cần được xem xét trách nhiệm kỹ lưỡng, nghiêm minh hơn, xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn”-văn bản nêu rõ.
Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng yêu cầu lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát, rà soát kỹ khi xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể liên quan đến việc tách, nhập thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ và các loại đất khác sang đất ở.
Đồng thởi, phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, báo cáo cấp ủy theo đúng quy chế làm việc của từng địa phương; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không đúng quy định pháp luật, vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là chuyển đổi mục đích đất, phân lô bán nền trái phép có quy mô lớn.