Quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng thông tin việc Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết thí điểm về chính sách đặc thù phát triển NƠXH, chuẩn bị trình Chính phủ, để tiếp tục trình Quốc hội thông qua nghị quyết này. Cụ thể, sẽ có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng và các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án như: miễn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án NƠXH; cho phép chủ đầu tư hưởng lợi nhuận định mức tối đa 13% tổng chi phí đầu tư xây dựng; hỗ trợ quỹ đất, giải phóng mặt bằng và phát triển hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy xây dựng NƠXH...
Đáng chú ý, ông Vương Duy Dũng cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia nhằm hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững. “Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển NƠXH, nhà ở giá rẻ cho người trẻ. Trong thời gian qua và sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đoàn công tác nhằm đôn đốc việc triển khai các dự án tại địa phương” - ông Vương Duy Dũng nói.
Khu nhà ở xã hội AZ Thăng Long, huyện Hoài Đức. Ảnh: Hữu Thắng
Thông tin này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận xã hội. Trong đó, đa số các ý kiến đều đánh giá cao các cơ chế này, đặc biệt là việc cho phép địa phương chỉ định chủ đầu tư mà không cần đấu thầu và thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia. TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kỳ vọng, việc hình thành Quỹ nhà ở quốc gia sẽ là “phao cứu sinh” cho hàng triệu người lao động có thu nhập thấp nắm được cơ hội an cư lạc nghiệp. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt tại các khu công nghiệp, đô thị lớn và khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, bảo đảm tính bền vững của thị trường bất động sản.
Trên cương vị là DN chuyên phát triển dự án NƠXH, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành Lê Hữu Nghĩa chia sẻ niềm tin những chính sách đặc thù sẽ tạo cơ hội hơn nữa để DN tư nhân tham gia phát triển NƠXH: “Nếu được triển khai, Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ tạo đột phá trong việc giải quyết vấn đề thiếu nhà ở cho người dân tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chính sách này không những có thể đóng vai trò lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết vấn đề an cư và ổn định cuộc sống cho người thu nhập trung bình thấp, mà còn thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản” - ông Lê Hữu Nghĩa nói.
Quỹ Nhà ở quốc gia hoạt động không vì lợi nhuận, với nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác, nhằm giảm gánh nặng tài chính và tạo cơ hội an cư cho người dân. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm thế nào để quỹ thực sự phục vụ đúng đối tượng, đúng mục tiêu mà không tạo ra sự bất công trong phân bổ nguồn lực. Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm |
Với gần 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển NƠXH, ông Lê Quang Huy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam cũng bày tỏ ủng hộ chính sách đặc thù phát triển NƠXH. Trong đó, đặc biệt đánh giá cao việc cho phép địa phương chỉ định chủ đầu tư mà không cần đấu thầu. Đây là một trong những điểm mới đột phá của dự thảo lần này, giúp rút ngắn quy trình phê duyệt, ưu tiên các DN có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính, từ đó đẩy nhanh nguồn cung NƠXH.
Phải có cách đặt vấn đề mới
Liên quan đến dự thảo nghị quyết thí điểm về chính sách đặc thù phát triển NƠXH, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu nhìn nhận: “Đối với NƠXH, thủ tục đầu tư xây dựng dự án chỉ mới là bước đầu. Triển khai một dự án NƠXH, từ khi “thai nghén” đến lúc hoàn tất xây dựng, là hành trình gian nan của không ít DN. Chưa kể quá trình tổ chức đấu thầu kéo dài tốn công sức của các cơ quan Nhà nước và các nhà đầu tư. Vì vậy, việc chỉ định thầu, đồng nghĩa không phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về đấu thầu. Đề xuất này nếu được thông qua sẽ rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính, thu hút thêm nhiều DN tham gia làm NƠXH”. Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh, việc thí điểm thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà giá rẻ tiếp tục là một đề xuất hợp lý, sẽ tạo động lực tốt, giúp cân đối giữa nguồn cung và sức cầu, vì lâu nay cơn khát về NƠXH vẫn chưa thể đáp ứng như mong đợi.
“Nếu không có các giải pháp đột phá, thì mục tiêu đến năm 2030 đạt 1 triệu căn NƠXH sẽ khó có thể về đích. Trong bối cảnh này, việc thành lập Quỹ phát triển NƠXH quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho các dự án NƠXH, giúp giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người có thu nhập thấp. Từ đó, giúp người thu nhập trung bình thấp có cơ hội an cư lạc nghiệp” - ông Lê Hoàng Châu nói thêm.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc thành lập “Quỹ nhà ở quốc gia” để phát triển NƠXH tại các đô thị lớn là rất cần thiết để thống nhất thực hiện trong cả nước: “Trước đây, Việt Nam từng có một thời kỳ có quỹ tiết kiệm nhà ở quốc gia, giờ chúng ta có thể khởi động lại, rất khả thi, nhân văn và bền vững” - TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Nhìn NƠXH từ gốc độ cung - cầu, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế góp ý, thay vì chỉ đạo, hướng dẫn, Nhà nước phải trực tiếp vào cuộc. Bởi câu chuyện làm NƠXH không phải là "bài toán khó” mà là "bài toán không có lời giải” và quan trọng hơn cả là cách làm như thế nào cho phù hợp. Chuyên gia này thẳng thắn, nếu muốn chính sách NƠXH thành công, phải có cách đặt vấn đề rất mới. Bằng không, người hưởng lợi chỉ là những DN BĐS, nương theo kỳ vọng của người lao động và chính sách của nhà quản lý để hy vọng được “cứu” vì họ đã nhận sứ mệnh làm NƠXH.
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh lưu ý, chủ trương thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở giá rẻ là chính sách mang tính đột phá, điều tiết thị trường bất động sản về mặt vĩ mô, giá cả. Tuy nhiên cần phải có cơ chế hoạt động minh bạch, gắn với chương trình an sinh xã hội, chương trình phát triển nhà ở của quốc gia và địa phương, được điều hành bởi tổ chức phát triển nhà ở quốc gia chuyên trách. Từ đó mở ra một hướng đi có tính chiến lược cho tương lai phát NƠXH, mở rộng cơ hội an cư cho người lao động, hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước.
Thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia hay cho phép địa phương chỉ định chủ đầu tư mà không cần đấu thầu đều là các đề xuất hợp lý. Song tôi cho rằng, việc quan trọng trước mắt là loại bỏ cách tiếp cận chính sách NƠXH từ góc độ đầu tư BĐS, trong đó, người công nhân, người lao động mong muốn mua được một căn nhà giá rẻ hơn thị trường và coi như một khoản đầu tư sinh lời, DN nhân danh chính sách NƠXH để xin ưu đãi, tiếp cận dòng tiền... để giải quyết các khó khăn trước mắt. Nhìn chung, những bất cập trong thực thi chính sách đều đến từ cơ chế xin – cho, cần phải loại bỏ triệt để, trước khi bàn đến những vấn đề khác” - ông Đinh Thế Hiển nhấn mạnh. TS Đinh Thế Hiển |