Sàn nói được bán
Từ lời mời của “cò” môi giới, phóng viên Kinh tế & Đô thị có mặt tại sàn bất động sản Danko Group (Tầng 1 tòa nhà C6, Khu Đô thị Mỹ Đình 1, Trần Hữu Dực) - đơn vị được quảng cáo độc quyền phân phối chung cư Florence để nhân viên môi giới tên N. tư vấn dự án. Mở đầu cuộc trò chuyện, N. thừa nhận dự án Florence chưa xong móng, dự kiến ra Tết mới hoàn thành. Tuy nhiên, hiện tại sàn vẫn tiếp nhận giữ căn hộ cho khách hàng thông qua hình thức phiếu đặt chỗ.
Thấy phóng viên bày tỏ lo lắng vì dự án vẫn đang làm móng, nhân viên này trấn an: “Gia đình chị chọn căn, đặt cọc vào thời điểm này giá bán cực mềm (28 - 33 triệu đồng/m2). Ngoài Tết Nguyên đán, chủ đầu tư mở bán chính thức, giá “nhảy” lên 2 triệu đồng/m2 sẽ thiệt vô cùng. Hiện tại, giấy tờ pháp lý đã đầy đủ. Thậm chí, bên sàn em còn nhận đặt cọc của hơn 50 khách hàng rồi. Chị hoàn toàn có thể yên tâm”.
Nhân viên môi giới sàn Danko Group đang tư vấn khách hàng đặt cọc 100 triệu đồng cho dự án Florence Mỹ Đình. Ảnh: Vân Hằng. |
Khi phóng viên thử “chấm” căn R11208 có diện tích 81,67m2, “cò” N. báo giá 2,64 tỷ đồng và tư vấn quy trình giữ chỗ. Theo đó, người mua nhà đặt cọc ngay 100 triệu đồng cho sàn Danko Group. Khi chủ đầu tư mở bán chính thức sẽ được chuyển thành số tiền mua nhà đợt 1 trong hợp đồng mua bán (HĐMB). Trước nguyện vọng muốn con số đặt cọc thấp hơn từ người mua, N. cho hay: “Các khách hàng khác đều phải nộp số tiền như chị, không có ngoại lệ”.
Kết thúc cuộc trao đổi, phóng viên mong muốn tiếp cận các giấy tờ như giấy ủy quyền phân phối giữa chủ đầu tư và sàn Danko Group, quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công, giấy phép xây dựng, giấy thẩm định đủ tiêu chuẩn chào bán căn hộ tương lai tại dự án Florence của Sở Xây dựng Hà Nội… nhưng N. từ chối cung cấp. Theo “cò” này, nguyên nhân là bởi một số yếu tố cần bảo mật, ra Tết các hồ sơ này mới được công khai công bố.
Sở Xây dựng khẳng định… không
Luật sư Bùi Quang Hưng Đoàn Luật sư Hà Nội: Luật chuyên ngành không cho phép chủ đầu tư ký hợp đồng đặt cọc với cá nhân, tổ chức nhằm huy động vốn xây dựng dự án nhằm mục đích được ưu tiên đăng ký hoặc hưởng quyền mua nhà ở “trên giấy”. Đồng nghĩa, việc ký phiếu đặt cọc để giữ chỗ ký HĐMB nhà ở hình thành trong tương lai là vi phạm pháp luật. Do không đúng về mặt thể thức, dạng hợp đồng ký đặt cọc giữ chỗ hoàn toàn có thể bị tuyên vô hiệu, khách hàng ở thế “cầm dao đằng lưỡi”. |
Trong một diễn biến khác, vào chiều 31/1, qua khảo sát thực tế, phóng viên ghi nhận công trường dự án đang ngổn ngang thi công. Và với ba tầng hầm để xe như “cò” N. quảng cáo, muốn xong móng, nếu nhanh cũng phải 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, tại cổng công trường, hàng loạt môi giới của sàn giao dịch Danko Group vẫn đặt băng rôn để thu hút khách hàng và nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về pháp lý dự án Florence Mỹ Đình, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án đã có giấy phép xây dựng nhưng chưa nộp hồ sơ thông báo bán hàng đến Phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng) để kiểm tra, thẩm định và công nhận đủ điều kiện mở bán. “Dự án Florence Mỹ Đình là dạng nhà ở hình thành trong tương lai. Do đó, theo nguyên tắc phải có giấy tờ nghiệm thu hoàn thành xong phần móng tòa nhà. Trước khi ký HĐMB, chủ đầu tư cần có văn bản thông báo từ Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Từ đây, Sở có thông tin để công khai các dự án đủ điều kiện bán nhà “trên giấy” tại website của Sở.
Trong khi đó, theo luật sư Bùi Quang Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, chủ đầu tư phải có xác nhận của Sở Xây dựng đủ điều kiện bán nhà, trong đó, gồm biên bản nghiệm thu móng. Dự án chưa có nghiệm thu móng rõ ràng bán nhà sai luật. Đáng chú ý, điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015 còn quy định rõ: “Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hay phân chia quyền sử dụng đất dự án cho bên được huy động vốn”.