Phong thủy của một ngôi nhà không chỉ đơn giản là cách xây dựng, mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác như vị trí, phương hướng, bố cục, mặt bằng và các quy luật ngũ hành trong môi trường sống... một căn nhà có phong thủy tốt cần đảm bảo các yếu tố sau:
Nguồn sáng tự nhiên
Ánh sáng được xem là phần quan trọng nhất của việc xác định phương hướng khi xây để ngôi nhà có hứng đủ nắng tự nhiên, phong thủy ngôi nhà thật sự tốt khi đầy đủ ánh sáng tự nhiên, thông gió, những điều này giúp sản sinh nhiều dương khí. Trong tự nhiên, vạn vật sinh trưởng đều nhờ ánh sáng mặt trời. Vì vậy, trong hệ thống các nguồn năng lượng trên Trái đất không thể tách rời được ánh sáng mặt trời. Trong phong thủy, ánh sáng đại diện cho dương khí là điều cốt yếu cho sức khỏe, vượng khí, tài lộc cho gia chủ.
Ánh sáng tự nhiên là điều tối quan trọng trong phong thủy. Ảnh minh họa
Một căn nhà tối tăm sẽ làm mất ý chí phấn đấu và sinh lười biếng, nhưng ánh sáng quá mạnh, lại hết sức nguy hại không tốt cho phong thủy. Vì vậy, cần phải biết điều tiết ánh sáng cho ngôi nhà của mình một cách phù hợp để cân bằng được hai yếu tố ấm dương, ngôi nhà có đầy đủ ánh sáng đại diện cho sự tập trung dương khí, đương nhiên là phong thủy tốt.
Yếu tố tàng phong tụ khí
Tàng phong tụ khí có thể hiểu nôm na là tránh nơi gió thổi quá mạnh, nơi có gió thổi mạnh sẽ khiến tài lộc bị thổi bay, đây được xem là yếu tố đánh giá phong thủy hàng đầu. Không những thế, gió to cũng không tốt cho sức khỏe, gia chủ chỉ cần chọn nơi thoáng khí, gió vừa phải giúp thông thoáng ngôi nhà. Một ngôi nhà tốt thì cần “tàng phong tụ khí” tức là khí vận chuyển cần được thông thoáng, tránh bị xung đối hoặc bị ngăn chặn. Khí trong nhà nếu được cân bằng sẽ là giải pháp tạo sự hài hòa giữa nơi cư trú với môi trường xung quanh.
Ở những căn hộ chung cư, cách phân chia không gian có thể không hợp lý theo thói quen sinh hoạt của mọi người nên nhiều gia đình tìm cách phân chia lại cho hợp lý, tường hoặc vách ngăn dùng để phân chia cũng chính là phương tiện điều chỉnh, cân bằng khí trong nhà hữu hiệu.
Khi nhà có diện tích rộng mà lại ít nhân khẩu sử dụng thì sẽ có cảm giác lạnh lẽo, trống trải, bởi vậy nên khắc phục bằng cách ngăn tường nhiều, tạo những không gian thư giãn như phòng đọc, phòng tập thể dục… ngoài các không gian sinh hoạt chính khác, dùng những gam màu nóng hoặc vật liệu sậm màu để tạo cảm giác gần gũi, ấm áp hơn. Ngược lại, nhà có diện tích nhỏ thì nên giảm vách ngăn, dành ra một không gian rộng rãi cho nơi tiếp khách, sinh hoạt chung và giải trí, sử dụng màu sáng dịu để có cảm giác nhà lớn hơn so với diện tích thật.
Gia chủ cũng nên đặc biệt chú ý đến hướng của chính của căn nhà vì cửa chính là nơi mà gia chủ và quan khách thường xuyên ra vào. Đây cũng là nơi đón sinh khí, tài lộc và phần canh gác, bảo vệ nhà. Vì thế, nên chọn cửa chính có kích thước, tỷ lệ, kiểu dáng hợp lý, đặt ở cung Sinh Khí, Diên Niên để đón vượng khí.
Chướng vật phía trước nhà
Trong phong thủy, phía trước của một ngôi nhà gần với nhiều con đường sẽ rất tốt cho gia chủ, mỗi con đường tượng trưng cho một dòng nước, là nơi "long mạch" di chuyển. Vì thế đường cái được coi là một loại của thủy long, đường quốc lộ (trục chính) được coi là đại thủy (chủ lưu), đường nhỏ hay hẻm lại giống như một nhánh sông. Theo quan niệm phong thủy, đường cạnh nhà càng to càng rộng thì vinh hoa phú quý càng nhiều. Ngoài ra, một ngôi nhà gần những khu đường lớn thường dễ buôn bán, kinh doanh, tài vận cũng nhờ vậy mà tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, ngôi nhà đẹp thì phía trước phải hạn chế có các công trình lớn hay vùng đất linh thiêng... Nếu chuẩn bị sở hữu một khu đất mới thì điều quan trọng nhất nên tìm hiểu thật kỹ lịch sử của khu đất đó, quan sát xung quanh để tránh những chướng vật sản sinh “ám tiến sát” trong phong thủy học. Ám tiến sát có thể là dây điện của hàng xóm, cột điện, tháp nhọn nhà thờ...
Đặc biệt, xung quanh nhà cần chú ý đến vật dẫn dụ sát khi có thể chính là những góc nhọn của các kiến trúc hay vật thể lớn có hướng chĩa thẳng vào nhà. Trong cuộc sống nhộn nhịp hiện đại, các ngôi nhà chung cư thường được xây sát nhau do đó khá khó tránh khỏi việc này, nhưng cơ bản gia chủ nên hạn chế tối đa những mũi tên, vật nhọn chĩa vào nhà vì nó như những mũi tên độc, kèm theo sát khi khiến gia trạch bất ổn.
Thói quen sinh hoạt, bài trí nội thất
Tưởng chừng phong thủy hầu hết là những yếu tố mang tính tự nhiên, nhưng theo các chuyên gia, thói quen sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày và cách bài trí nội thất trong căn nhà cũng có tác động rất lớn đến phong thủy, như: thói quen để rác trước cửa; sử dụng linh vật một cách tùy tiện; không chăm sóc cây xanh trồng trong nhà; không mở cửa sổ và tiết kiện tiền bạc hạn chế bật đèn sáng... là những thói quen không tốt tạo ra tác động xấu đến phong thủy, vì vậy gia chủ cần phải khắc phục tình trạng trên nếu đang là thói quen của gia đình.
Đối với vấn đề bài trí nội thất, để tạo phong thủy tốt cho ngôi nhà, gia chủ có thể trang trí các vật dụng như: cây phong thủy, tượng, tranh, các vật phẩm phong thủy… giúp làm tăng vượng khí, tài lộc, may mắn. Tuy nhiên, để vận dụng tốt phương pháp này, gia chủ cần phải xem các vật phong thủy có hợp với mệnh - tuổi của mình hay không rồi mới mua về trang trí, như vậy chúng mới có thể phát huy được hết tác dụng và không gây xui xẻo cho gia chủ.
Gợi ý một số vật dụng hợp với bản mệnh của gia chủ: Mệnh Kim (gương, tác phẩm điêu khắc bằng kim loại, đồ nội thất bằng kim loại, đồ trang trí bằng gốm sứ, pha lê, đá...); Mệnh Mộc (các loại đồ gỗ gia dụng, phổ biến nhất là tủ, giá sách giường, gỗ lát nền nhà, đồ điêu khắc tinh xảo bằng gỗ, bình hoa giấy hay hoa gỗ...); Mệnh Thuỷ (hồ cá, gương, tranh ảnh có yếu tố thủy); Mệnh Hoả (tranh ảnh hình lửa hoặc hoàng hôn, bình minh, nội thất gỗ...); Mệnh Thổ (nến, lò sưởi, hình ảnh của lửa, hoàng hôn, bình minh, đá, pha lê, trang trí đồ đất nung...).