Khó khăn bộn bề
Trực tiếp đóng góp 15% tỷ trọng vào GDP của quốc gia, cùng với sức lan tỏa tới 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế như: xây dựng, ngân hàng - tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, nông nghiệp… Thị trường BĐS có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế, tác động đến chuỗi sản xuất và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, an sinh xã hội, việc làm.
Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 5/2022 đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan như: dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, khó khăn thị trường. Bên cạnh đó là những nguyên nhân chủ quan do hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu DN... cũng như vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để buộc thị trường phải rơi vào trạng thái trầm lắng. Trong khi đó, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao và áp lực chi phí tài chính tăng cao trong khi dòng tiền khan hiếm khiến sức khỏe DN BĐS ngày càng suy yếu.
Dữ liệu khảo sát từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% DN chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023, 43% DN trụ được đến hết năm 2023.
Nhiều DN BĐS đang phải chịu lãi mẹ đẻ lãi con, lãi suất vay nhiều hơn tiền gốc. Ảnh minh họa
“Mặc dù từ năm 2022 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách giúp DN giãn, hoãn các khoản nợ. Các DN cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tồn tại, nhưng không ít DN chỉ vì cố gắng cầm cự, trong khi khả năng không đủ, đã tự đẩy mình vào bước đường cùng với đủ khoản “lãi mẹ đẻ lãi con”, để rồi với đống nợ khổng lồ mà tiền lãi còn gấp nhiều lần nợ gốc” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Nguyễn Chí Thanh nói.
Kỳ vọng dòng tiến mới
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, mặc dù thị trường đang gặp nhiều khó khăn nhưng hơn một năm nay, việc mua bán và sáp nhập (M&A) ghi nhận sự tăng nhiệt dần. Một số DN đã mạnh tay chi tiền M&A nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh. Nhiều nhóm nhà đầu tư sẵn dòng tiền “lớn" cũng đang tìm kiếm cơ hội, sẵn sàng rót vốn vào các dự án tiềm năng.
“Dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đa số nhà đầu tư này đều hướng đến dự án có pháp lý tương đối hoàn thiện, để tránh rủi ro. Đây là cơ hội để chủ đầu đang nắm giữ nhiều dự án "sạch", có thể bán dự án hoặc hợp tác, tạo giá trị lợi ích cho cả hai bên. Là hướng đi giúp DN có thể xoay trở dòng tiền trả nợ, tránh khỏi tình trạng sụp đổ, giải thể. Hay mang đến dòng tiền để tiếp tục triển khai các dự án khác. Chống thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường” – ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam, để dòng vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh, trở thành "cú hích" cho thị trường, cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện khung pháp lý cũng như chính sách khuyến khích cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Song song với đó, Nhà nước cần tiếp tục có giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc pháp lý cho dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, ưu tiên dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thị trường.