Nghịch lý này kéo theo hàng loạt hệ luỵ trong việc bàn giao kinh phí bảo trì và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà (sổ hồng).
Tù mù thu - chi
Bức xúc lên đến đỉnh điểm, sáng 7/5, hàng trăm cư dân Star city đã căng băng rôn phản đối những vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư. Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Văn Thanh – Trưởng Ban quản trị tòa nhà Star city không giấu được bức xúc: Dự án đã được hoàn thành và bàn giao cho người dân từ năm 2014, song vấn đề hồ sơ (hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công), kinh phí bảo trì tòa nhà chưa được chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội công khai, minh bạch theo quy định, dù đã có chỉ đạo từ cơ quan quản lý lẫn chính quyền địa phương.
|
Cư dân Star city căng băng rôn phản đối những vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư. Ảnh: Vân Hằng |
Cũng theo ông Thanh, trước đó, chủ đầu tư và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) có ký Hợp đồng góp vốn đầu tư bất động sản và ủy quyền bán từ năm 2009. Trên cơ sở này, Ocean Group đã đứng tên bán và thu 2% quỹ bảo trì từ các chủ sở hữu căn hộ. Tuy nhiên, sau khi được thành lập hợp pháp (tháng 9/2017), Ban quản trị đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư và Ocean Group bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư và hồ sơ tòa nhà. Nhưng đến 30/3/2018, chủ đầu tư mới bàn giao được một phần nhỏ quỹ bảo trì (hơn 2 tỷ đồng) trong khoảng 30 tỷ đồng tổng quỹ bảo trì (18 tỷ đồng phần căn hộ của cư dân và khoảng 10 tỷ đồng phần diện tích chủ đầu tư sở hữu).
Đồng quan điểm, anh Ngô Văn Thức (sống tại căn hộ 1602) đặt nghi vấn lợi ích trong việc cố tình tù mù thu – chi quỹ bảo trì 2%. Theo anh Thức, tại sao báo cáo tài chính với các khoản thu - chi dịch vụ, các khoản cho thuê diện tích sở hữu chung, khoản chi cho việc quản lý, vận hành tòa nhà Star city trong 3 năm qua… chủ đầu tư không cung cấp được, thậm chí còn tỏ thái độ bất hợp tác, thiếu thiện chí đối thoại với người dân. Trong đó, việc bị om quỹ bảo trì khiến công tác duy tu bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật, thang máy của tòa nhà gặp nhiều khó khăn, đã có thang máy hỏng không hoạt động. “Vậy số tiền đó họ để đâu và với mục đích gì?” – anh Thức thắc mắc.
Vào ở trước, nghiệm thu sau?
Theo nhiều hộ dân ở đây, đã gần 6 năm trôi qua, kể từ thời điểm mua căn hộ, nhưng cư dân chưa nhận được sổ hồng. Điều này xuất phát từ việc chủ đầu tư có dấu hiệu thay đổi công năng trong toàn toà nhà, sai phạm so với thiết kế đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Chị Đinh Thị Cẩm Vân - thành viên Ban quản trị tại tòa nhà cho biết, các hộ dân đã về sinh sống tại tòa nhà được 3 - 4 năm. Tuy nhiên, đến nay tòa chung cư này chưa được bàn giao hồ sơ hoàn công làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho cư dân. “Mỗi căn hộ có tổng trị giá từ 2 – 5 tỷ đồng, nhưng vì không có sổ hồng nên không thể thế chấp ngân hàng, khó khăn khi giao dịch mua bán, gây mất giá, thiệt hại nhiều cho chúng tôi” - chị Vân chia sẻ.
Trước những sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư, sáng 7/5, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội do ông Cù Quỳnh Anh - Phó Chánh Thanh tra Sở làm trưởng đoàn đã xuống kiểm tra dự án. Theo ông Cù Quỳnh Anh, chủ đầu tư không quản lý quỹ bảo trì theo quy định, đến nay mới bàn giao 2,455 tỷ đồng trên tổng số 30 tỷ đồng phải bàn giao cho Ban quản trị. Do đó, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu trước 15/5, chủ đầu tư phải có lộ trình bàn giao lại quỹ bảo trì cho Ban Quản trị.
“Về phần diện tích chung riêng, đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư lập bản vẽ bàn giao cho Ban Quản trị trước ngày 30/5. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương liên hệ với Cục giám định Nhà nước về công trình xây dựng để được nghiệm thu công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng” – Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng nhấn mạnh.