Các bên chưa tròn trách nhiệm
Qua khảo sát tại một số quận, huyện cho thấy, trong các chung cư thương mại đang thể hiện rất nhiều hạn chế, nhiều năm chưa được quan tâm đúng mức để chỉ đạo giải quyết. Cụ thể, 270 tòa chung cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ lâu, hầu hết đã lấp đầy nhưng chưa thành lập được ban quản trị (BQT), bàn giao quỹ bảo trì, hồ sơ, phân định chung - riêng; 105 tòa xảy ra nhiều tranh chấp. “Trình trạng này tồn tại nhiều năm nay, tại sao chưa giải quyết hiệu quả?” - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đặt vấn đề.
|
Một dãy chung cư trên địa bàn quận Tây Hồ. Ảnh: Công Hùng |
Đồng thời, công tác quản lý, vận hành, duy tu các chung cư TĐC cũng rất nhiều bất cập, thậm chí sai phạm, đã được HĐND TP chỉ ra từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được giải quyết, một phần do thiếu trách nhiệm đôn đốc của đơn vị được giao quản lý nhà; trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo của Sở TN&MT, Sở Xây dựng và chính quyền quận, huyện.
Việc thành lập, hoạt động nhiều BQT chưa hiệu quả, xảy ra tranh chấp, ngoài nguyên nhân cơ quan quản lý chưa làm tròn trách nhiệm thì còn do TP chưa có một chế tài kiểm soát hoạt động, xử lý vi phạm.
"NĐ99 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở chỉ rõ: Nếu không bàn giao quỹ bảo trì, UBND cấp tỉnh phải cưỡng chế 70% quỹ nằm trong hợp đồng mua bán để trả cho BQT tòa nhà. Nên, các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt, nếu không, rất dễ xảy ra cháy, sập nhà, thang máy rơi… đe dọa tính mạng người dân vì tòa nhà không được bảo trì. Sở Xây dựng cần tư vấn các tòa nhà chọn đơn vị đủ năng lực để đấu thầu vận hành, khai thác tòa nhà; TP sẽ cấp phép cho các đơn vị như cấp phép xây dựng." -Trưởng ban Pháp chế HĐND TP |
Theo Nghị định 99/CP (NĐ99) và Thông tư 02 của Bộ Xây dựng (TT02) về việc hỗ trợ kinh phí bảo trì chung và một phần chi phí quản lý vận hành chung cư, T.Ư đã giao các tỉnh, TP tùy thực tế địa phương để xây dựng quy định, song đến nay TP chưa làm được. Thực tế, khi NĐ99 và TT02 có hiệu lực, Sở Xây dựng đã tham mưu TP không ban hành quy chế quản lý chung cư trên địa bàn, mà TP thống nhất thực hiện theo TT02.
Song khảo sát hiện nay cho thấy, như vậy chưa phù hợp, bởi rất nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn quản lý đang cần được cụ thể hóa trong các quy định của địa phương. Vì vậy, Sở Xây dựng cần sớm nghiên cứu lại để đề xuất ban hành các quy định của TP trong xử lý tranh chấp, chế tài với BQT, nhất là cụ thể hóa trách nhiệm chính quyền các cấp.
HĐND TP sẽ theo đến cùng
Làm việc mới đây với các sở, ngành, lãnh đạo Ban Đô thị HĐND TP yêu cầu Sở Xây dựng sớm đề xuất giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách quản lý chung cư gắn với đặc thù Thủ đô, phù hợp quy định. Với các địa phương, Ban đề nghị thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Chủ tịch UBND TP giao các Chủ tịch phường tăng cường quản lý Nhà nước với các chung cư, phối hợp tốt với Công ty TNHHMTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Trong khi chờ thêm cơ chế, Công ty cần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý sử dụng chung cư TĐC, không để khiếu kiện đông người.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, với những công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đã đưa dân vào ở, nhất định phải có chế tài mạnh, nếu cần thì quận, huyện đề xuất Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội ngừng cấp điện. Đặc biệt, mâu thuẫn giữa các bên tại nhiều tòa nhà vẫn đang có nguy cơ gia tăng, phức tạp. “Đề nghị Sở Xây dựng nhận thức rõ trách nhiệm tham mưu, với 105 tòa còn tranh chấp, có văn bản gửi TP chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm đơn vị nào, lộ trình, chế tài xử lý vi phạm. Với một số bất cập trong TT02, cần nghiên cứu để đề xuất điều chỉnh” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nêu rõ.
“HĐND TP sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy về nội dung quản lý chung cư, nếu cần, TP sẽ ra một chỉ thị. Nhưng trước mắt, Sở Xây dựng cần lập các tổ công tác đến tận nơi giúp quận, huyện còn yếu trong quản lý chung cư. Thường trực HĐND TP sẽ tiếp xúc cử tri về chuyên đề này; năm sau đưa vào phiên giải trình của UBND TP. Chúng tôi sẽ theo đến cùng vấn đề quản lý chung cư” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.
"Quản lý vận hành chung cư đang thể hiện nhiều mâu thuẫn xoay quanh chuyện “một ông giữ tiền không chịu bàn giao, sợ bàn giao xong thì ông kia chạy mất”. Trước các hạn chế, chúng tôi đã gọi điện cho lãnh đạo 6 quận nhưng không Chủ tịch, Bí thư quận nào gửi cho tôi một tờ kiến nghị. Dù vậy, Sở vẫn đang xây dựng các chế tài mạnh để kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm xử lý đơn vị vi phạm; sớm hoàn thành dự thảo quy trình cưỡng chế, từ đó thành lập các tổ công tác giải quyết tồn tại trong quản lý, vận hành chung cư." - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục "TP cần sớm ban hành quy định chung về quản lý chung cư, rõ các vấn đề về BQT, kinh phí, trách nhiệm xử lý tranh chấp… mới mong có “gậy pháp lý” để các cấp, ngành thống nhất quản lý, xử lý khi có tranh chấp dẫn đến ra tòa." - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu |