Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng 105 chung cư xảy ra tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư tranh chấp gay gắt, phức tạp.
Theo HoREA, có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng khách hàng phản ứng chủ đầu tư như: Chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì theo quy định; Tranh chấp về việc đóng kinh phí vận hành nhà chung cư đối với phần diện tích sở hữu riêng của chủ đầu tư; Tranh chấp về mức thu kinh phí vận hành nhà chung cư,... Đặc biệt là tình trạng chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng tiến độ, không làm sổ hồng kịp thời cho khách hàng; Chủ đầu tư tự ý thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không thông qua ý kiến khách hàng.
Dự án Carillon 5 chưa được giải chấp dù sắp bàn giao. |
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, có hàng chục dự án đã đảm bảo điều kiện để kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa giải chấp dự án với ngân hàng nên còn nhiều vướng mắc.
Một số dự án đang thế chấp như Stown Thủ Đức (Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tecco Sài Gòn (STC Corporation), chung cư Sky Villa do Công ty TNHH Xây dựng Tài Nguyên làm chủ đầu tư; TTC Land có 2 dự án là Carillon 5 (quận Tân Phú) đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và TTC Plaza Bình Thạnh thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh quận 1.
Những năm gần đây, Sở Xây dựng một số tỉnh, thành phố bắt đầu minh bạch thông tin, công bố danh sách các dự án bị cầm cố nhưng chủ đầu tư vẫn “lờ” đi để giao dịch với khách hàng. Câu chuyện chủ đầu tư chậm tiến độ, thậm chí bán hàng nhiều năm vẫn không xây dựng hay đã bàn giao nhưng không ra được sổ hồng cho khách hàng liên tục xảy ra.
Theo quy định của Luật Nhà ở, khi dự án đang thế chấp tại ngân hàng thì chủ đầu tư phải giải chấp trước khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng; khi thế chấp cũng phải thông báo cho khách hàng biết và phải có sự đồng ý từ người mua. Tuy nhiên, thực tế hầu như không có chủ đầu tư nào thực hiện theo quy định, thông báo cho khách hàng, việc thế chấp thường chỉ chủ đầu tư và ngân hàng biết.
Theo luật sư Trương Minh Hiếu (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), ở nước ta, người mua nhà ở hình thành trong tương lai phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi chủ đầu tư vừa vay tiền ngân hàng vừa huy động vốn từ khách hàng dưới nhiều hình thức. Nguồn tiền từ người mua cũng không được giám sát minh bạc, dẫn dến tình trạng chủ đầu tư có thể sử dụng sai mục đích, thậm chí mang tiền đó đầu tư cùng lúc nhiều dự án. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro, trong đó nghiêm trọng nhất là nguy cơ chậm bàn giao nhà, hay dự án đổ bể, không thể xây dựng.