Khu đô thị Cát Lái nằm trên địa bàn quận 2, sở hữu những lợi thế không thể chối cãi về hạ tầng giao thông như hầm Thủ Thiêm, đường Võ Văn Kiệt, cầu Sài Gòn 2 cùng một loạt tuyến đường kết nối quận 2, quận 9 với quận 7 thông qua cầu Phú Mỹ. Dự án được coi là cửa ngõ phía Đông của thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Theo bản đồ điều chỉnh quy hoạch 1/500 của Khu đô thị mới Cát Lái đã cho thấy hình dáng của một thành phố mới, năng động và có đầy đủ các chức năng về tài chính, thương mại, dịch vụ, văn hóa, giáo dục... Cùng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và vị trí địa lý thuận lợi, Khu đô thị Cát Lái đang được kỳ vọng sẽ trở thành một "Phú Mỹ Hưng thứ 2 của TP. Hồ Chí Minh".
Thế nhưng, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để vươn lên "tầm đẳng cấp" của một khu đô thị xanh - bền vững, không phải chuyện dễ dàng và có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Oái oăm thay, "điểm chết" của khu đô thị này lại nằm chính ở "lợi thế số 1" của dự án hiện nay đó là môi trường và giao thông!
Rát mặt vì bụi, "nhức đầu" vì container
Trao đổi với phóng viên, chị Thanh, một người dân sinh sống tại dự án chung cư tái định cư Thạnh Mỹ Lợi – quận 2 cho biết, dù điều kiện kinh tế gia đình không dư dả gì, thậm chí là khó khăn, nhưng anh chị đang cố để mua một căn hộ tại khu vực chợ Bình Khánh vì đã “quá ớn” khi hằng ngày phải đi làm dọc theo đường Đồng Văn Cống (tỉnh lộ 25b cũ, tuyến đường dẫn đến cảng Cát Lái – PV). Bởi lý do, đây là đường ngắn nhất để đi từ nhà chị đến văn phòng công ty, đóng tại đường Nguyễn Thái Bình - quận 1, nhưng lại là tuyến đường thường xuyên chịu cảnh kẹt xe và “bụi cát mù trời”.
Đường Đồng Văn Cống (tỉnh lộ 25b cũ) đoạn gần đến vòng xoay Mỹ Thuỷ - Tuyến đường dẫn đến cảng Cát Lái và Khu đô thị Cát Lái.... |
Tình trạng ùn ứ giao thông và kẹt xe vận tải hạng nặng (xe container) thường xuyên diễn ra... |
Qua tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân căn bản của tình trạng kẹt xe như phản ánh của chị Thanh là do lượng xe tải, xe container ra vào “ăn hàng” tại cảng Cát Lái hiện nay thực sự quá lớn. Đây cũng là cảng có khối lượng container được bốc xếp lớn nhất Việt Nam hiện nay, chiếm đến khoảng 50% lượng container ra vào trên toàn bộ hệ thống cảng biển toàn quốc. Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày có đến 12.000 container lưu thông trên liên tỉnh lộ 25 đi vào Tân Cảng Cát Lái.
Thực tế đó khiến, tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường vành đai quan trọng tại khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố trở nên “đều đặn như cơm bữa”. Mặc dù các cơ quan CSGT, Thanh tra giao thông đã nỗ lực hết sức mình vẫn chưa thể giải quyết căn bản trình trạng kẹt xe thường xuyên, kéo dài như hiện nay trên các đường ra vào các cảng. Có những thời điểm khu vực này đã phải chịu cảnh ùn tắc gần 10 giờ đồng hồ, khi hàng ngàn phương tiện liên tục đổ dồn về cảng Cát Lái.
“Mỗi lần kẹt xe, không khí như đặc quánh lại, người và xe tranh nhau “thở” dưới cái nóng hầm hập, thực sự rất khó chịu. Không chỉ có vậy, với những người di chuyển bằng xe gắn máy, cho dù có cẩn thận đeo kính bảo vệ đàng hoàng cũng khó tránh khỏi bị bụi cát bay vào mắt, táp vào mặt…”, chị Thanh cho biết.
Không chỉ kẹt xe và cát bụi, trên tuyến đường này, tình trạng mất an toàn giao thông cũng rất đáng quan ngại. Theo anh Phương, cũng là một người dân sinh sống tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cho biết, đã có khá nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết người xảy ra trên tuyến đường này.
“Nói thật, mỗi lần nhìn tai nạn giao thông xảy ra là một lần tôi muốn bán quách căn nhà để tìm một nơi ở khác an toàn hơn cho bản thân và gia đình, nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình chưa cho phép nên đành cố bám trụ ở đây mà thôi”, anh Phương chia sẻ.
Bài toán khó về phát triển bền vững
Phát triển đô thị bền vững là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình quy hoạch, xây dựng, quản lí đô thị. Nhiều nhà quản lý thừa nhận rằng, chỉ có con đường phát triển đô thị một cách bền vững mới có thể mang lại sắc thái mới, diện mạo mới và có tính bền vững cho một đô thị.
Phát triển bền vững: Bài toán chưa có lời giải ở Khu đô thị Cát Lái (Hình minh hoạ). |
Thế nhưng, việc hiểu và thực thi chính sách phát triển đô thị bền vững vẫn còn hạn chế và chưa có sự thống nhất. Theo như cách nói của PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa - Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh là "rất khó để đưa ra được một định nghĩa hay hệ khái niệm được coi là thống nhất về phát triển đô thị bền vững vì bản chất đa dạng và đa chiều của đối tượng nghiên cứu".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, muốn có một đô thị bền vững, trước hết phải xây dựng thành công một “đô thị sinh thái”. Thời gian gần đây, khái niệm "đô thị sinh thái", "khu dân cư sinh thái", "môi trường sống sinh thái"... cũng được nhắc đến nhiều ở Việt Nam.
Trong một nghiên cứu của mình, KTS. Bùi Kiến Quốc - Viện nghiên cứu Đô thị Paris cho rằng, để giải quyết các vấn đề môi trường đô thị đối với các nước đang phát triển, quy hoạch “đô thị sinh thái” là một giải pháp phù hợp.
Theo KTS. Bùi Kiến Quốc, đây là giải pháp quy hoạch có tính định hướng, áp dụng vào thực tế những kiến thức mới nhất và kinh nghiệm từng trải của các nước phát triển nhằm hướng thẳng tới một đô thị hiện đại mà không vấp phải những vấn đề của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa bùng phát trên diện rộng.
“Đô thị sinh thái là đô thị đạt được những tiêu chí về điều kiện và chất lượng môi trường sống sinh thái, và "quy hoạch đô thị sinh thái" là phương pháp quy hoạch đô thị nhằm đạt được các tiêu chí của chất lượng cuộc sống cao, hướng tới sự phát triển bền vững của đô thị đó”, ông Quốc nhận định.
Khu đô thị Cát Lái được quảng cáo là "gần trung tâm thành phố, thuận tiện đi lại, hệ thống tiện ích, dịch vụ nội khu được đầu tư bài bản từ trường học, công viên, bệnh viện...", tuy nhiên, đây mới chỉ là những "công trình hình thành trong tương lai".
Trong khi đó, dù được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, tuy nhiên, những điều kiện về môi trường, khí thải và tình trạng kẹt xe vận tải hạng nặng trên đường Đồng Văn Cống - tuyến đường xuyên tâm đến Cát Lái - là một bài toán khó giải đối với dự án này để đạt “tầm đẳng cấp” của một đô thị bền vững.
Mặt khác, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009, hệ thống đô thị Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị "có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc...". Nếu căn cứ trên mục tiêu - định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để Cát Lái thực sự trở thành một "Khu đô thị đáng sống và hấp dẫn giới trẻ nhất TP. Hồ Chí Minh hiện nay và trong tương lai", xem ra vẫn còn…rất nhiều khó khăn...