Theo kế hoạch, năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại hàng chục dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên toàn quốc. Trong số đó có Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV (SGCC) với các dự án cao ốc SGCC – Bình Quới 1, SGCC Bình Quới 2 và Soho Premier Bình Thạnh.
Trong số này, Soho Premier được SGCC hợp tác đầu tư cùng Công ty CP Đầu tư Địa ốc Tiến Phát (Tiến Phát Corp). Dự án này tọa lạc khu đất số 636A Xô Viết Nghệ Tĩnh (hiện nay là số 778 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh) gồm 1 block cao 14 tầng, bắt đầu bàn giao từ cuối năm 2017.
Điều đáng nói, trong số 168 căn hộ của dự án, có 150 căn đã được Tiến Phát Corp thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân – Chi nhánh Sài Gòn, hiện tại vẫn chưa được giải chấp. Trao đổi với phóng viên, đại diện của Tiến Phát Corp cho biết, họ không còn khoản vay nào liên quan đến Soho Premier và cũng đã hoàn thành xong thủ tục liên quan đến dự án với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu Soho Premier không còn khoản vay nào, thì tại sao 150 căn hộ nói trên vẫn chưa được giải chấp?
Dù đã bàn giao gần 2 năm nhưng 150 căn hộ tại dự án Soho Premier (SGCC 2) vẫn đang cầm ngân hàng. |
Luật sư Trương Minh Hiếu (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, người mua nhà hình thành trong tương lai ở Việt Nam gặp nhiều rủi ro do chủ đầu tư vừa vay tiền ngân hang, vừa huy động vốn từ khách hàng dưới nhiều hình thức. Nguồn tiền từ người mua nhà không được cơ quan nào giám sát minh bạch dẫn đến nguy cơ chủ đầu tư có thể sử dụng vốn sai mục đích, thậm chí đầu tư cùng lúc nhiều dự án. Thực tế đã xuất hiện nhiều dự án chậm bàn giao hay không thể triển khai.
“Điều 147 Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư phải giải chấp nhà ở trước khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng, trừ trường hợp khách hàng và ngân hàng đồng ý. Mặt khác, tại điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP cũng quy định người mua nhà và ngân hàng vẫn có thể thống nhất về việc không cần giải chấp và khi đó dự án nhà ở này vẫn được phép mua bán”, luật sư Hiếu khẳng định.
Nhằm minh bạch hóa thông tin cho người mua nhà, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã công khai nhiều dự án đang thế chấp ở ngân hàng. Thế nhưng, xuất hiện trường hợp chủ đầu tư đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất của dự án nhưng không thực hiện việc chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Từ đó dẫn đến nghịch lý, một ngân hàng nhận thế chấp quyền sử dụng đất thuộc phần sở hữu chung của dự án, chứ không thuộc sở hữu riêng của nhà ở, căn hộ nào nên không còn giá trị xử lý tài sản với từng nhà ở, căn hộ với người mua (đăng ký thế chấp tài sản nào thì chỉ được xử lý tài sản ấy).
Còn chuyên gia tài chính - kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định rằng: “Đó là hành vi lừa đảo, việc cầm cố dự án rồi vẫn tiếp tục giao dịch với khách hàng là không thể chấp nhận được”.