Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các bệnh nhân.
Tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng, đồng thời đề nghị ngành y tế tỉnh này tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở; truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc theo quy định.
Tạm đình chỉ hoạt động, làm rõ vụ ngộ độc bánh mì Phượng tại Hội An. (Nguồn ảnh: CAND)
Đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn.
Báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế theo quy định.
Trước đó, vào ngày 11/9, một số người dân, du khách đã ăn bánh mì (pa-tê, thịt xíu, xíu mại, rau sống, sốt trứng gà tươi, dưa, rau răm, xà lách, đu đủ chua, chả heo) mua tại tiệm Bánh mì Phượng. Sau đó, một số người có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và kéo dài. Các bệnh nhân đã đến các cơ sở y tế để nhập viện, điều trị.
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, số liệu cập nhật đến cuối giờ chiều 13/9, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 91 ca ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng.