Nước tăng lực là gì?
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nước tăng lực là đồ uống có chứa các thành phần có thể giúp bạn tăng mức năng lượng và hiệu suất não bộ trong thời gian ngắn. Hầu như tất cả các loại nước tăng lực đều chứa caffeine để có thể kích thích chức năng não bộ cũng như tăng sự tỉnh táo và tập trung. Tuy nhiên, lượng caffeine trong các sản phẩm nước tăng lực khác nhau cũng không giống nhau.
Bên cạnh caffeine, nước uống tăng lực cũng thường chứa một số thành phần khác như:
Đường: Đây chính là nguồn calo chính trong đồ uống tăng lực. Tuy nhiên, hiện có một số sản phẩm không chứa đường và thích hợp cho những ai muốn theo chế độ ăn low-carb.
Vitamin B: Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng giúp chuyển đổi thực phẩm bạn đã ăn thành năng lượng mà cơ thể sử dụng được.
Axit amin: Các axit amin có thể xuất hiện trong nước uống tăng lực là taurine và L-Carnitine. Đây là hai loại axit amin được cơ thể sản xuất một cách tự nhiên và đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh học.
Chiết xuất thảo dược: Các loại đồ uống tăng lực có thể có chứa guarana, một loại hạt giúp bổ sung caffeine cho sản phẩm. Một số sản phẩm cũng có chứa chiết xuất nhân sâm, một chiết xuất có thể có tác dụng tích cực đến chức năng não.
Caffeine trong nước tăng lực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Theo tạp chí BMJ Case Reports, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trường hợp của một thanh niên 21 tuổi. Người này cho biết mình có thói quen uống 4 lon nước tăng lực (loại 500ml) mỗi ngày trong khoảng 2 năm.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng mỗi lon nước tăng lực như vậy có thể chứa tới 160mg caffeine, cộng với taurine (một loại protein) và nhiều thành phần khác. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy uống nhiều đồ uống có chứa caffeine có thể dẫn tới các tác dụng phụ như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, mất ngủ, mất nước, bồn chồn và đánh trống ngực. Tuy nhiên, nguy hiểm ở chỗ không phải loại nước tăng lực nào cũng có ghi rõ hàm lượng caffeine trên nhãn sản phẩm.
Thanh niên 21 tuổi trong nghiên cứu nói trên đã trải qua 4 tháng gặp phải các triệu chứng như: Khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm, giảm cân không rõ lý do… trước khi được chăm sóc đặc biệt. Trước đó, thanh niên này cho biết mình cũng từng trải qua cảm giác khó tiêu, run tay chân, đánh trống ngực… mà không được điều trị.
Các bác sỹ đã tiến hành xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ (ECG) và nhiều xét nghiệm khác. Kết quả cho thấy, nam thanh niên này đã bị suy tim và suy thận. Tình trạng bệnh nghiêm trọng tới nỗi các bác sỹ đã tính tới phương án cấy ghép. May mắn là triệu chứng suy tim, chức năng tim của nam thanh niên đã cải thiện đáng kể khi được điều trị bằng thuốc và cắt giảm bớt nước tăng lực.