Tháng 3/2013, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trở thành người Việt Nam đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới của tạp chí Forbes. Kể từ đó đến nay, việc ai là người tiếp theo lọt vào danh sách này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Có một số cái tên được đồn đoán có khả năng sở hữu khối tài sản trị giá tỷ đô nhưng đều không có cơ sở nào để có thể khẳng định. Ông chủ của những công ty chưa niêm yết thì lại càng khó để đánh giá hơn. Gần đây, khi một số doanh nghiệp tư nhân bắt đầu quá trình đại chúng hóa hoặc huy động thêm một lượng vốn để đẩy nhanh quy mô thì số ứng viên cho vị trí tỷ phú đô la tiếp theo cũng ngày một nhiều lên.
Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quý Thanh. |
Nếu như Bloomberg nhận định bà chủ Vietjet Air có thể là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam thì cách đây ít ngày, Wall Street Journal đã đề cập đến kế hoạch Tân Hiệp Phát dự định bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để nâng giá trị công ty lên mức 2 tỷ USD.
Với việc dự kiến bán một tỷ lệ cổ phần thiểu số và được định giá lên đến 2 tỷ USD, tức Tân Hiệp Phát hiện nay đã có giá trị ít nhất 1 tỷ USD. Con số này dù cao nhưng hoàn toàn khả thi. Và như vậy thì gia đình ông Trần Quí Thanh – hiện đang sở hữu 100% cổ phần của hệ thống Tân Hiệp Phát/Number 1 – xứng đáng có tên trong danh sách tỷ phú đô la.
Tất nhiên con số trên hiện mới chỉ là “mong muốn” của phía Tân Hiệp Phát, nó chỉ có ý nghĩa một khi giao dịch hoàn tất. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Tân Hiệp Phát có xứng đáng với mức giá hàng tỷ USD?
Một mình chống chọi với các tập đoàn đa quốc gia
Hệ thống Tân Hiệp Phát/Number 1 được thành lập từ năm 1994, hiện là một trong những tập đoàn đồ uống, nước giải khát lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm chính của công ty gồm có trà xanh uống liền, trà thảo mộc, nước tăng lực, sữa đậu nành…
Ông Trần Quí Thanh và các thành viên trong gia đình, gồm vợ là bà Phạm Thị Nụ cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích sở hữu 100% cổ phần của các công ty trong hệ thống cũng như nắm giữ các vị trí điều hành chủ chốt.
Hệ thống sản xuất gồm có công ty Tân Hiệp Phát tại Bình Dương đóng vai trò trung tâm cùng các công ty Number One Hà Nam, Number One Chu Lai; cùng các công ty phụ trách hoạt động phân phối, logistics…
Các đối thủ chính của Tân Hiệp Phát. |
“Sự cố con ruồi” xảy ra vào đầu năm 2015 là một bước ngoặt lớn đối với Tân Hiệp Phát, đi kèm với nó là những hệ quả tiêu cực về sụt giảm doanh số cũng như phản ứng không tích cực từ một bộ phận lớn người tiêu dùng.
Tuy nhiên khách quan mà nói thì Tân Hiệp Phát là một ví dụ thành công về một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã rất thành công khi khai phá một phân khúc thị trường mới (trà uống liền) cũng như đã cạnh tranh thành công với các tập đoàn đa quốc gia để trở thành một trong những doanh nghiệp đồ uống hàng đầu.
Lĩnh vực đồ uống không cồn/nước giải khát có quy mô lên đến vài chục nghìn tỷ, tốc độ tăng trưởng hàng năm đều ở mức 2 chữ số nhưng lại có quá ít doanh nghiệp Việt đạt được mức doanh thu trên 1.000 tỷ, ngoài Tân Hiệp Phát và 2 đại diện Trung Nguyên – Vinacafe Biên Hòa trong lĩnh vực cà phê hòa tan.
Với doanh thu vào khoảng 7.000 tỷ, lãi trước thuế 930 tỷ và lãi sau thuế gần 730 tỷ đồng trong năm 2014, THP là một trong những doanh nghiệp tư nhân có doanh thu cũng như lợi nhuận lớn nhất Việt Nam.
Rất ít DN đồ uống nội có doanh thu trên 1.000 tỷ. |
Lợi nhuận trước thuế năm 2014 của một số DN đồ uống không cồn lớn. |
Kết quả trên của Tân Hiệp Phát thực sự ấn tượng khi ngang ngửa với Pepsi, đứng trên cả Coca Cola và đối thủ trực tiếp Universal Robina (URC – với thương hiệu chủ lực là trà C2) đến từ Philippines. Hầu hết các dòng sản phẩm chính của Tân Hiệp Phát như trà xanh, nước tăng lực, sữa đậu nành… đều phải cạnh tranh trực tiếp với đối thủ nước ngoài.
Rõ ràng, với những kết quả đã đạt được nếu như không có “sự cố con ruồi” thì việc Tân Hiệp Phát được định giá tỷ đô là hoàn toàn trong tầm tay, dù có phần hơi cao so với mặt bằng trong khu vực.
Do các số liệu kinh doanh của Tân Hiệp Phát hiện không được công bố nên rất khó để ước tính giá trị doanh nghiệp này. Giá trị của Tân Hiệp Phát khi chào bán cho đối tác nước ngoài sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tỷ lệ cổ phần chào bán cũng như khả năng chống chọi của công ty sau sự cố.