Đoàn Liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra cơ sở sản xuất khô bò tại quận Bình Tân. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN) |
Đây là kết quả được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết thí điểm chương trình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện và phường xã, thị trấn của Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chiều 2/12.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Quyết định số 38/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm qua Thành phố đã thí điểm lập 15 đoàn thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã.
Các đoàn thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra 1.377 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện 799 cơ sở vi phạm, chiếm 58%.
Các đoàn thanh tra cũng đã xử phạt hơn 2,5 tỷ đồng, đóng cửa vĩnh viễn 2 cơ sở vi phạm nghiêm trọng.
Nhấn mạnh kết quả của thí điểm, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng chương trình đã đẩy mạnh việc thanh tra đột xuất; chuyển đổi từ kiểm tra, nhắc nhở sang tiến hành xử lý vi phạm theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Từ đó mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.
Tuy nhiên, các đại biểu tại 5 quận, huyện thí điểm cho rằng, hiện nay quy trình thanh tra vẫn còn phức tạp, nhất là tuyến phường, xã. Bên cạnh đó, nhân sự ít, lại phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau nên thời gian dành cho công tác thanh tra không nhiều.
Trong khi đó, đa số các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại phường, xã, thị trấn chủ yếu là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, khó kiểm soát.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Thành phố Hồ Chí Minh trong 1 năm thực hiện thí điểm, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị, công tác thanh tra cần đẩy mạnh hơn nữa bởi Quyết định 38 đã trao quyền được xử phạt cho cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm địa phương.
“Nếu trước đây chỉ kiểm tra, nhắc nhở thì người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn không sợ thì nay với Quyết định 38, chúng ta cần xử lý nghiêm để tạo sự răn đe,” ông Long nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay còn rất nhức nhối, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý thật nặng các trường hợp vi phạm, đồng thời vận động người dân đứng ra tố cáo, tố giác khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn.
Với những kết quả đã đạt được, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng thanh tra chuyên ngành trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết “Chương trình phối hợp vận động và giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.”
Trong chương trình có một số nội dung đáng chú ý như tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; xây dựng và nhân rộng các hộ kinh doanh, các mô hình sản xuất an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh..