Hằng năm, cứ đến Rằm tháng Bảy (âm lịch), ăn chay trở thành thói quen, nét văn hóa của người Việt để hướng lòng đến điều thanh tịnh, báo hiếu song thân. Theo đó, thị trường thực phẩm chay cũng nhộn nhịp, sôi động hơn ngày thường.
Nắm bắt được xu hướng ăn chay của nhiều gia đình, đặc biệt là dịp lễ Vu Lan, nhiều sản phẩm đồ chay như lẩu chay, nem chay, pate chay,.. được bày bán rất nhiều tại các chợ dân sinh và cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Ngoài ra, các loại gia vị dùng chế biến món chay tại nhà như nước mắm, hạt nêm, chao, viên gia vị nấu hủ tiếu, bò kho, phở, dưa món... cũng bán khá chạy.
Quầy thực phẩm chay tại siêu thị Co.op Mart.
Anh Lê Tấn Hoài (ngụ Vườn Lài, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) thường cùng gia đình ăn chay vào các dịp mùng 1, rằm và các ngày lễ lớn của Phật giáo nên đã quen với việc nấu các món chay cho cả nhà. Theo anh nguyên liệu để nấu các món chay khá rẻ, nguyên liệu chế biến và gia vị cũng dễ tìm mua.
“Để nấu một bữa cơm chay cho gia đình 5 người chi phí đi chợ chỉ từ 50-70.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với những bữa cơm bình thường. Nguyên liệu thì có sẵn ở hầu hết các chợ dân sinh, siêu thị”- Anh Hoài cho hay.
Tại một số điểm bán, kênh bán hàng online... doanh số ngành thực phẩm chay chế biến sẵn đã tăng cao với thời điểm bình thường.
Chị Minh Anh, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay trên đường Bùi Đình Túy, Quận Bình Thạnh cho biết, khi nói đến ngành thực phẩm chay, mọi người thường chỉ nghĩ đến những sản phẩm đồ hộp, thực phẩm công nghệ, hàng đông lạnh, nhưng ngành này còn bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, ẩm thực tại hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn.
Trong tình hình dịch bệnh, cửa hàng ghi nhận doanh số bán hàng mang đi tăng vượt trội so với thực khách thưởng thức tại chỗ.
Buffe chay tại một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh.
Để chuẩn bị tốt cho việc cải thiện doanh số nhân dịp này, chị Minh Anh cho biết, ngay từ những ngày đầu tháng thì quán đã tăng cường thực đơn chay và phục vụ hình thức buffet tự chọn. Theo đó, thực khách thưởng thức tại chỗ hay mua mang đi đều có thể tự chọn những món ưa thích với giá dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/phần.
Tương tự, bà Bé Hai, chủ nhà hàng chay trên đường 3/2, Quận 10 cho hay, vì quán đã có thời gian kinh doanh hơn chục năm, nên có lượng khách thân thiết rất ổn định. Do đó, khi vừa bước vào tháng Bảy Âm lịch là thực khách bắt đầu tăng lên từng ngày so với thời gian trước đó.
"Đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, hiện quán cũng mở thêm kênh bán hàng online, giao hàng tận nơi; hoặc thực khách cũng có để đặt món bằng ứng dụng gọi xe công nghệ. Bên cạnh đó, trong xu hướng ẩm đạm của thị trường, giá món ăn của quán cũng không tăng và đảm bảo giữ nguyên chất lượng sản phẩm bán ra", bà Bé Hai cho biết.
Trong bối cảnh dịch bệnh, hình thức mua mang về hoặc giao hàng tận nơi được nhiều khách hàng lựa chọn.
Ghi nhận tại chợ Vườn Chuối (Quận 3), chợ Thị nghè (quận Bình Thạnh), chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10)…các mặt hàng chay như nấm, rau, củ quả, đậu hũ,.. và các loại gia vị chay được nhiều người dân tìm mua. Giá cả các mặt hàng này bắt đầu nhích nhẹ từ 3.000– 5.000 đồng.
Theo chị Mỹ, tiểu thương tại chợ Vườn Chuối, những ngày gần rằm tháng 7, nhu cầu mua các mặt hàng đồ chay tăng mạnh. Người dân đến tìm mua đồ chay khá đông, bán chạy nhất vẫn là các sản phẩm đóng hộp và nem chả chay, giò thủ chay,..
“Khách quen hay mua đồ chay tại sạp của tôi mấy ngày nay đều gọi dặn để hàng trước vì họ sợ hết hàng. Một số mặt hàng đóng hộp như đậu, bắp non và pate chay, nem chả chay phải nhập hàng về liên tục” – Chị Mỹ cho biết.
Còn theo Chị Trúc, tiểu thương tại chợ Thị Nghè, cho biết nhu cầu tìm mua đồ chay những năm gần đây tăng khá nhiều, đặc biệt với các sản phẩm chế biến sẵn. Rằm tháng Bảy năm nay, lượng khách đặt hàng trước tăng gấp đôi năm ngoái, do đó chị phải mua sỉ thêm từ một số bạn hàng quen. Giá bán đồng thời cũng tăng khoảng 10-15%.
Cụ thể, giá các loại giò chả chay đông lạnh dao động 30.000-65.000 đồng/500 gram, trong khi heo quay, đùi gà chay có giá khoảng 100.000-120.000 đồng/kg, sườn non chay giá 200.000-250.000 đồng/kg.
Ngoài mua trực tiếp ở cửa hàng, chợ dân sinh, thì thị trường thực phẩm chay trên chợ mạng cũng nhộn nhịp suốt những ngày qua. Các từ khóa "thực phẩm chay", "đồ chay"... trên Facebook cho ra hàng trăm kết quả. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về sản phẩm và giá bán lại gần như không được nhắc đến.
Thực phẩm chay được rao bán trên mạng xã hội.
Chị Lê Thị Quý (sống tại đường TK12, quận Tân Bình ) thường xuyên đặt mua đồ chay trên mạng cho biết:
“Tôi ăn chay trường nên thường đi chợ mua đồ chay về nấu, nhiều khi bận thì tôi vẫn hay đặt trên mạng xã hội đưa tới, khá thuận tiện và rẻ. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét những trang bán uy tín để mua vì có lần tôi mua về ăn nhưng bị tiêu chảy và đau đầu. Từ đó tôi chỉ đặt mua ở những người quen hoặc chỗ bán có thương hiệu”.
Cần thận trọng khi mua thực phẩm chay
Theo bà Sương, một người bán đồ chay tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) dặn khách mua về món chả chay giá 50.000 đồng/nửa kg, "thực phẩm dùng trong bao lâu cũng được".
"Các món ở đây tôi tự làm hết. Trừ chả lụa phải cất trong ngăn mát tủ lạnh, còn lại cứ cấp đông thì dùng bao lâu cũng được", bà Sương khẳng định.
Tuy nhiên, những thực phẩm chế biến sẵn trông bắt mắt y hệt món mặn này chỉ được bọc trong túi ni lông mỏng, bên ngoài không có nhãn hiệu hay bất cứ thông tin gì về thành phần sản phẩm hay hướng dẫn sử dụng chi tiết, đặc biệt là ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Sản phẩm không có thông tin nhãn mác, hạn sử dụng bán tại các chợ dân sinh.
Dạo một vòng quanh các chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Vườn Chuối (quận 3), không khó để tìm thấy những sản phẩm chay chế biễn sẵn "nhà làm" tương tự.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhìn nhận thị trường thực phẩm chay đang phát triển mạnh mẽ với đủ loại mặt hàng và chất lượng. Công tác quản lý vì thế cũng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt đối với các mặt hàng "giả mặn" chế biến sẵn.
"Thực phẩm chay ở chợ và trên mạng phần nhiều là hàng do cá nhân và gia đình tự làm, không qua kiểm nghiệm, không có thông tin nhãn mác rõ ràng, khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các món 'giả mặn' đã chế biến và đóng gói sẵn lại càng nguy hiểm, vì thường có hương vị và màu sắc rất bắt mắt, nguy cơ độc hại càng cao", bà Lan nhận định.
Pate Minh Chay bị nhiễm độc.
Thậm chí, sự việc sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới bị phát hiện chứa vi khuẩn có độc lực rất mạnh vừa qua còn dấy lên tình trạng chính cơ sở kinh doanh được cấp phép rõ ràng, với sản phẩm có bao bì nhãn mác đầy đủ, vẫn có nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cục vệ sinh an toàn thực phẩm khuyến cáo, khi mua thực phẩm chay, người dân cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị ngả màu, mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu.
Các thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm chọn những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Đối với thực phẩm chay ngoại nhập, cần mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, có tem nhãn phụ, hạn sử dụng.