Nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong quý I năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý hơn 28.000 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng; khởi tố hình sự 278 vụ với 679 đối tượng.
Quý I năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý hơn 28.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh minh họa
Đáng chú ý là số vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022 với 1.345 vụ. Tình trạng buôn lậu đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương và hầu hết các tuyến lưu chuyển hàng hóa khi tội phạm buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn, liều lĩnh hơn...
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cảnh báo, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu hòng qua mắt lực lượng chức năng như: Không khai báo, khai hải quan không đúng thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc lô hàng...
Hàng hóa vi phạm thường được cất giấu tinh vi, lẫn trong hàng hóa thông thường hoặc đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
Ðáng lo ngại là các đường dây buôn lậu mọc lên liên tục, thiên biến vạn hóa, đường dây này bị triệt phá lại xuất hiện đường dây khác với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện hơn. Các đối tượng buôn lậu thường thuê người có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy và người dân nghèo tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Các đường dây buôn lậu ngày càng manh động sẵn sàng chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ để bảo toàn hàng lậu hoặc thoát thân khi bị phát hiện, bắt giữ.
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng lậu, hàng cấm sử dụng. Ảnh minh họa
Siêu lợi nhuận từ buôn lậu (đơn cử như thuốc lá lậu lợi nhuận lên đến 400%) đang lôi kéo, cám dỗ nhiều người dân tham gia, thực hiện hành vi vi phạm bất chấp quy định pháp luật để thu được lợi ích rất lớn. Mặt khác, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến mặt hàng giá rẻ trong lúc khó khăn càng khiến hàng lậu có cơ hội tràn vào trong nước.
Nâng mức xử phạt, đẩy mạnh tuyên truyền
Thời gian qua, với sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn lậu đã đạt kết quả tích cực với nhiều vụ việc, đối tượng, ổ nhóm buôn lậu nổi cộm bị triệt phá. Song, công tác phòng, chống buôn lậu ở Việt Nam gặp không ít khó khăn. Trong khi đó việc phát hiện, điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu.
Vấn nạn buôn lậu đã và đang gây ra những hậu quả, tác hại to lớn, làm suy yếu các ngành sản xuất, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính, giảm nguồn thu ngân sách, tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo Phó trưởng Ban chỉ đạo 389, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm. Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 - 4 lần giá trị thật của hàng hóa.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải nỗ lực cố gắng, quyết tâm nhiều hơn. Công tác quản lý nhà nước cần tạo sự thống nhất trong phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng; tuyệt đối không buông lỏng địa bàn và tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây khó khăn trong đấu tranh tội phạm buôn lậu.
Nói về giải pháp cụ thể, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: Người thực thi công vụ phải không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, xác lập các chuyên án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, tụ điểm, đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Cùng với những giải pháp cụ thể của lực lượng chức năng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để từng người dân trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, mua bán hàng vi phạm. Ðây chính là giải pháp căn cơ, cốt lõi nhằm đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong giai đoạn mới.
Các bộ, ngành liên quan cần rà soát, nghiên cứu, ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong việc xử lý vi phạm nhằm bịt những kẽ hở, không để cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an |