Chiều 20/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày về Một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua
Qua thảo luận ở hội trường trước đó, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chưa có luật riêng về lĩnh vực này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung; đồng thời có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.
Quốc hội nghe trình bày về Một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua
Báo cáo giải trình cũng cho biết, có ý kiến cho rằng những cá nhân, tổ chức không chủ động thực hiện giao dịch, ví dụ như nhận được các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn quấy rầy. Trường hợp này, những người nhận những tin nhắn, thông tin về các giao dịch có được coi là người tiêu dùng và được pháp luật bảo vệ hay không?
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã có quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng (điểm b khoản 1 Điều 10).
Do vậy, các chủ thể tiếp nhận thông tin trong trường hợp này được coi là người tiêu dùng và được bảo vệ theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật có liên quan.
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 5
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, có ý kiến đề nghị điều chỉnh khoản 2, Điều 73 dự thảo Luật theo hướng trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng thì khoản tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện, vì do lợi ích công cộng sẽ được giao cho tổ chức xã hội khởi kiện để sử dụng cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong trường hợp này, tiền bồi thường thiệt hại được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ, không giao trực tiếp cho tổ chức xã hội khởi kiện vì còn nhiều quy định khác liên quan đến vấn đề này. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết là có căn cứ, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Thường trực Ủy ban Pháp luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội về các nội dung có ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như rà soát, chỉnh lý các quy định để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp và văn phong của dự thảo Luật.