Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, gần đây Cục có ghi nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc bị gọi điện, nhắn tin với mục đích nhắc nhở, đe dọa, dù người dùng không vay nợ từ tổ chức, đơn vị liên quan. Những hình thức đòi nợ này gây bức xúc và ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc hằng ngày của người tiêu dùng. Có trường hợp chủ thuê bao bị gọi điện quấy rối liên tục trong thời gian dài với tần suất cao lên tới hàng chục cuộc gọi mỗi ngày.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Về chế tài xử lý những hành vi này, luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, khoản 7, Điều 1 quy định biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó, số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ. Ngoài ra, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Trước tình trạng nhiều người dân bị “khủng bố” đòi nợ dù không liên quan đến các khoản vay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin như sau:
- Người dân chỉ nên giải thích ngắn gọn về việc không quen hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập và hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ để nắm thông tin; nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng.
- Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin gì cho các đối tượng này, không nên đôi co, giải thích hay năn nỉ vì không giải quyết được vấn đề gì cả. Có yêu cầu bằng văn bản gửi tới công ty tài chính đã quấy rối, gọi điện giục nợ để khiếu nại về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ về đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ.
- Người dân có thể gửi đơn tố cáo tới cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của công ty tài chính hoặc gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an, nếu công ty tài chính tiếp tục có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để quấy rối, đe dọa tinh thần...
- Ngoài ra, người dân có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền nhằm giảm phiền hà; sử dụng tính năng khóa các bình luận của người lạ trên các ứng dụng mạng xã hội...
- Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.