Thứ 6, 22/11/2024, 08:28 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

7 sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến trẻ hay bị ốm

7 sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến trẻ hay bị ốm
(Tieudung.vn) - Dưới đây là những sai lầm khi sử dụng điều hòa có thể khiến trẻ bị ốm, cha mẹ nên tránh mắc phải.

Để nhiệt độ điều hòa không phù hợp với trẻ

Nhiều bà mẹ than vãn mở điều hòa ở nhiệt độ 28 độ mà vẫn rét run, vậy mà bé thì vẫn nóng, người bứt rứt khó ngủ, ra mồ hôi và bị ốm.

Thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn nên để trẻ thoải mái, không bị nóng bức, mệt mỏi, cảm ốm thì mẹ cần điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ chứ không phải phù hợp với mẹ.

Về mức nhiệt phù hợp với trẻ, không có một con số chính xác là để nhiệt độ bao nhiêu là phù hợp với trẻ. Bởi tùy thuộc vào loại điều hòa, cấu tạo căn phòng và lượng người nên không thể nói để nhiệt độ bao nhiêu sẽ phù hợp.

Cách tốt nhất là phụ huynh cần thử nhiệt độ phù hợp cho con bằng cách, ban đầu nên đặt nhiệt độ điều hòa ở mức khoảng 28 độ C rồi theo dõi con mình. Nếu thấy trẻ vẫn nóng bức, ra mồ hôi, ngủ không yên giấc thì sau 10 phút lại giảm xuống 1 độ C.

Cứ như vậy cho đến khi thấy trẻ yên giấc, ngủ ngoan… thì đó là ngưỡng nhiệt độ phù hợp với con mình. Chỉ cần mất khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ theo dõi điều chỉnh nhiệt độ điều hòa là cha mẹ có thể biết được nhiệt độ phù hợp với con mình là bao nhiêu và lần sau cứ thế áp dụng.

7 sai lầm khi sử dụng điều hòa khiến trẻ hay bị ốm

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Dùng điều hòa không có thông gió

Nhiều gia đình có tâm lý tiết kiệm và nghĩ rằng để thông gió sẽ tốn điện nên chọn cách đóng kín cửa phòng. Làm như vậy sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh do môi trường sống không sạch, không thông thoáng, lại chứa nhiều bụi, vi khuẩn.

Nguyên tắc khi sử dụng điều hòa là bao giờ cũng phải có thông gió để bụi bẩn, vi khuẩn thoát ra ngoài. Vậy nên, khi sử dụng điều hòa cha mẹ cần chú ý đến hệ thống thông khí, hoặc có thể mở hé cửa ra cho lượng khí trong phòng được lưu thông, trẻ sẽ thấy thoải mái hơn.

Đặt chậu nước trong phòng điều hòa

Nhiều gia đình có thói quen đặt chậu nước trong phòng điều hòa để tạo độ ẩm. Tuy nhiên, cách làm này được các bác sĩ cho biết là dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe vì hơi nước sẽ thu hút bụi bẩn, vi trùng gây bệnh.

Nhiều nhà còn mua thêm máy phun sương để tạo độ ẩm, nhưng việc này không cần thiết, đặc biệt với gia đình có em nhỏ. Trẻ em hít phải nhiều hơi nước, ở trong môi trường độ ẩm nhiều, sẽ không tốt cho hệ hô hấp, dễ gây viêm phổi, ho...

Để trẻ nằm quá lâu trong phòng điều hòa

Do thời tiết nên không ít cha mẹ để con trong phòng điều hòa suốt cả ngày cho mát. Cách này có thể giúp làm mát cơ thể cho con, tránh con bị say nắng, sốc nhiệt do nắng nóng nhưng như vậy sức đề kháng của trẻ sẽ suy giảm do ở lâu trong phòng, không được hòa mình cùng thiên nhiên.

Với trẻ nhỏ, cho trẻ sống hòa mình với thiên nhiên là cách tốt nhất để trẻ thích nghi, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Vậy nên, trong những ngày hè, cha mẹ vẫn cần chọn những thời điểm mát để cho trẻ ra ngoài ban công, hoặc ra ngoài trời hít thở không khí thiên nhiên. Nên chọn nơi thoáng mát, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường mát lạnh điều hòa ra môi trường nóng bức để không làm trẻ bị sốc nhiệt.

Để điều hòa thổi trực tiếp vào trẻ

Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất yếu, vì vậy nếu để điều hòa thốc thẳng vào người trẻ sẽ khiến con dễ mắc phải các bệnh như: viêm mũi, viêm phế quản, đau họng, cảm lạnh… Thế nên bạn hãy đảm bảo rằng vị trí trẻ nằm ngủ cách xa luồng gió lạnh thốc ra từ điều hòa.

Tốt nhất vị trí đặt điều hòa nên ở trên cao, cánh cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp hướng về phía trẻ nằm, cũng không đặt tốc độ quạt gió quá mạnh. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay, tuyệt đối không để ở chế độ chạy thẳng một góc.

Ra vào phòng điều hòa đột ngột

Việc cha mẹ cho con trẻ chạy ra vào phòng điều hòa đột ngột cũng là một sai lầm hay mắc phải của cha mẹ khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt, thậm chí gây ra tử vong. Ra vào phòng điều hòa đột ngột khiến cơ thể khó thích nghi ngay được với sự thay đổi nhiệt độ, có thể gây choáng.

Nếu trong nhà đang bật điều hòa, cần cho trẻ làm quen dần với nhiệt độ thấp hơn hoặc tắt điều hòa trước khi ra ngoài trời nắng, giữ trẻ ngồi trong phòng vài phút sau khi tắt điều hòa, đặc biệt là những trẻ có sức khỏe yếu, thể trạng kém, huyết áp thấp…

Không vệ sinh điều hòa thường xuyên

Phòng bật điều hòa nếu không thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để loại bỏ các vi khuẩn, nấm mốc tích tụ lâu ngày sẽ sinh bệnh cho bé.

Ngoài ra việc điều hòa hoạt động liên tục có thể tích tụ các vi khuẩn, các mảng bám bên trong gây hại rất lớn đối với sức khỏe của trẻ, làm trẻ dễ mắc bệnh. Bạn nên vệ sinh điều hòa thường xuyên (1-2 tuần/ lần) để làm sạch và loại bỏ những nấm mốc, vi khuẩn gây hại sức khỏe, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.40376 sec| 823.242 kb