Hội thảo “Vì thị trường thực phẩm” mới đây tại TP.HCM do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) tổ chức, đã cho thấy bức tranh khá “tối” trong việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp hiện nay.
Đại diện Vinastas, ông Đỗ Ngọc Chính cho biết, hiện có khoảng 50% kháng sinh trên thế giới được dùng trong nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi và tỷ lệ này mỗi năm tăng lên gần 10%. Việc dùng kháng sinh phổ biến như vậy sẽ làm xuất hiện những vi khuẩn có tính năng chống kháng sinh cao hơn, sẽ vô hiệu hóa các kháng sinh, đẩy loài người vào những dịch bệnh thảm khốc. Đối với thực phẩm quen thuộc trong nước, nhất là thịt heo thì tỷ lệ chất kháng sinh đang sử dụng ngày một nhiều. Ngay từ tháng 7/2011 đến tháng 11/2011, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng đã tiến hành khảo sát tồn dư chất Beta-agonist trong thịt heo tại TP.HCM. Kết quả có 10/30 mẫu phát hiện có tồn dư Beta-agonist, chiếm 33%. Điều đáng nói là, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, khi kiểm tra 50 mẫu đã phát hiện 8 mẫu dương tính với Salbutamol, tương đương 16%. TS.BS Tăng Chí Thượng, PGĐ Sở Y tế TP.HCM, bức xúc cho rằng, trong chăn nuôi, nhất là nuôi heo, nuôi cá thì người ta đã và đang dùng kháng sinh quá nhiều, vô tội vạ. Các dư lượng kháng sinh có trong thực phẩm đang chuyển hóa thành những chất độc hại để kháng lại cơ thể con người. “Nhiều chủ hộ chăn nuôi chưa đợi heo, cá đào thải hết kháng sinh đã xuất bán, khiến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm rất lớn. Từ đó, người dân ăn thực phẩm mỗi ngày cũng là “ăn” cả kháng sinh, lâu dần cũng dẫn đến đề kháng thuốc mà chúng ta không hiểu tại vì sao?” - TS Thượng nói.
Ông Đỗ Ngọc Chính đề xuất: “Để hạn chế việc tồn tại các sản phẩm chứa dư lượng kháng sinh nhiều, chỉ còn cách buộc các cơ sở kinh doanh thực phẩm ký cam kết không sử dụng nguyên liệu có chất kháng sinh. Người tiêu dùng phải tỏ thái độ gay gắt với các thực phẩm không đạt chuẩn hay đảm bảo quy định truy xuất nguồn gốc”. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các cơ quan quản lý thị trường thực phẩm không mấy người có chuyên môn về thực phẩm để làm việc này nên việc quản lý nhìn chung là cực kỳ khó....
Nguồn: Nông nghiệp