Người bệnh tiểu đường, tim mạch cần hạn chế ăn bánh chưng
Người bệnh tiểu đường cần hạn chế ăn bánh chưng. Nguồn ảnh: Internet
Không phải ai cũng có thể ăn bánh chưng trong các bữa ăn dịp năm mới. Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vy (Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng), bánh chưng là món ăn rất giàu năng lượng, chứa nhiều chất béo, đạm, vitamin, đường. "Điều đáng nói là 1/8 chiếc bánh chưng thông thường vào dịp Tết đã có giá trị dinh dưỡng của một bát cơm đầy có kèm thức ăn. Do đó, bánh chưng rất thích hợp cho người muốn tăng cân, người gầy, suy dinh dưỡng", BS Vi nói.
Chính bởi lẽ đó, ăn nhiều bánh chưng cực có hại cho một số người mắc bệnh lý về chuyển hóa. Chúng ta đều biết ăn nhiều bánh chưng là nguyên nhân dẫn đến tăng cân không phanh sau Tết. "Người ăn kiêng, trẻ con béo phì không nên ăn bánh chưng. Người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, rối loạn đường huyết, mỡ máu cao cần hạn chế ăn bánh chưng", BS Vi cảnh báo.
Bánh chưng không tốt cho người đau dạ dày
Bánh chưng có gạo nếp và đỗ xanh, những thực phẩm không tốt cho người đau dạ dày, vì 2 nguyên liệu này dễ khiến người bệnh bị đầy bụng, khó chịu, ợ chua, khó tiêu,… Vì vậy, người có tiền sử bị đau dạ dày không nên ăn quá nhiều đồ nếp cũng như bánh chưng để tránh gặp phải những tình trạng khó chịu kể trên.
Người mắc bệnh huyết áp cao
Những người bị cao huyết áp luôn phải tuân thủ chế độ ăn ít chất béo, muối, đường,… Vì vậy, bánh chưng có nhân bằng thịt (thường là sấn vai, sấn mông hoặc nạc vai) chứa nhiều chất béo có thể gây tăng tiết axit dịch vị, nên không thích hợp cho nhóm người cao huyết áp.
Mọi người có thể đổi các nguyên liệu của bánh như thay vì dùng gạo nếp thì chuyển sang dùng gạo lứt, ăn vừa lạ miệng mà lành mạnh; giảm muối khi trộn với gạo và đỗ; không nên dùng đường khi làm nhân bánh.
Không ăn bánh chưng rán
Ăn bánh chưng rán rất dễ gây đầy bụng. Vào những ngày Tết, đồ ăn thức uống nhiều, lại ăn thêm bánh chưng rán thì rất dễ tăng cân. Bản thân bánh chưng đã chứa nhiều chất béo, khi rán bằng dầu mỡ thì lượng chất béo sẽ còn tăng cao hơn. Không chỉ gây tăng cân, lượng chất béo hấp thụ từ bánh chưng rán vào cơ thể còn đặc biệt không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận. Đặc biệt người có tiền sử dạ dày không nên ăn bánh chưng rán, có thể làm cho bệnh lý càng nặng hơn.
Nên ăn kèm với dưa muối hoặc dưa hành
Trong khi bánh chưng, bánh tét giàu đạm, chất béo và tinh bột khó tiêu. Thì củ kiệu, dưa hành, hay dưa món lại cung cấp một lượng men vừa đủ để hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm thiểu nguy cơ đầy bụng.
Không những thế, loại thực phẩm này còn giúp bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể. Bên cạnh đó, vị chua dịu, cay nhẹ và thơm của dưa hành, củ kiệu sẽ giúp gia tăng hương vị của món ăn. Đặc biệt kích thích tiêu hóa khi bạn ăn thực phẩm nhiều đạm, lipid, chất béo...
Nên ăn kèm với rau xanh và hoa quả
Bánh chưng là thực phẩm rất giàu năng lượng, nhiều chất bột đường từ gạo nếp, chất béo từ thịt mỡ và đạm từ đậu xanh nhưng lại không có chất xơ và các loại vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và ăn bánh chưng không bị ngán, nóng trong, bạn nên ăn kèm với rau xanh và hoa quả tươi.