Càng kiểm tra, càng lộ ra nhiều sai phạm
Sáng 17/11, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày phòng chống hàng giả Việt Nam (29/11).
Ngay trong bài phát biểu mở đầu hội thảo, ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM đã phải thốt lên rằng: "Hàng gian, hàng giả... ngày càng tràn lan và đang là vấn nạn".
Bugi xe máy cũng bị làm giả một cách tinh vi. |
Theo ông Phong, các thủ đoạn, hình thức của những đối tượng, doanh nghiệp làm ăn không chân chính rất xảo quyệt. Bởi thế, để nhận diện đâu là sản phẩm đảm bảo an toàn cho cuộc sống rất khó khăn. Hàng nhái, hàng giả tinh vi đến mức làm "mù màu" khiến người tiêu dùng lạc vào "mê hồn trận", khó khăn lắm mới tìm ra thương hiệu an toàn.
Trong khi đó, doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng hết sức bức xúc, băn khoăn vì những sản phẩm mà mình tâm huyết đưa ra thị trường đã bị xâm phạm sở hữu một cách trắng trợn. Điều đáng trăn trở là nhiều doanh nghiệp bị nhái, giả sản phẩm nhưng không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường.
Đại diện công ty NGK Spark Plugs Việt Nam cho rằng, sản phẩm bugi xe máy của công ty này cũng bị làm giả. Nếu người bình thường thì không thể phân biệt được đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng nhái. Một bugi chính hãng, giá bán sỉ 20.000-25.000 đồng/cái, bán lẻ khoảng 30.000 đồng/cái. Nhưng bugi dỏm thì giá sỉ có 3.000 đồng/cái nhưng vẫn bán giá 25.000-30.000 đồng/cái như thường mà thiệt hại cuối cùng vẫn thuộc về người tiêu dùng.
Bugi dỏm thì giá sỉ có 3.000 đồng/cái nhưng vẫn bán giá 25.000-30.000 đồng/cái như thường. |
Một doanh nghiệp kinh doanh gas uy tín tại TPHCM trò chuyện với chúng tôi nhưng lắc đầu liên tục khi không dám công khai thông tin trên báo chí. "Khổ lắm anh ơi. Phát hiện một cơ sở sang chiết gas lậu rồi gắn nhãn mác của mình. Chúng tôi đưa người xuống bắt quả tang nhưng thẩm quyền của mình đâu thể làm gì được họ. Chỉ có một ông già về hưu đứng tên đại diện pháp luật ra chửi tụi tôi té tát, trong khi hàng giả, nhái họ lặng lẽ tuồn đi chỗ khác rất lẹ".
Chúng tôi hỏi tại sao không gọi cho quản lý thị trường thì chủ doanh nghiệp này cười buồn: "Mình ở TPHCM xuống Long An bắt hàng giả, đâu phải thổ địa mà được hỗ trợ nhiệt tình đâu".
Theo số liệu của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2016, toàn quốc phát hiện hơn 172.000 vụ buôn lậu, truy thu nộp ngân sách gần 13.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Cũng trong 10 tháng qua, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hơn 2.000 vụ hàng giả, phạt hành chính gần 60 tỷ đồng.
Khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả nếu như không có chuyên môn. |
Trong số các vụ vi phạm, gian lận trong sản xuất, kinh doanh, có vụ một công ty thực phẩm chức năng tại Hà Nội làm giả trên 30.000 sản phẩm. Mới đây, tại TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn chai rượu của một cơ sở sản xuất vi phạm quyền bảo hộ của các thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới...
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, càng kiểm tra, thì càng phát hiện những sai phạm "động trời". Tuy nhiên, kết quả phát hiện hàng giả, kém chất lượng chưa tương xứng tình hình thực tế. Hàng "dỏm" còn tiềm ẩn hết sức nguy hiểm.
Hàng "dỏm" còn tiềm ẩn hết sức nguy hiểm. |
Chống hàng giả bằng truy xuất nguồn gốc
Đồng tình với những cái khó mà doanh nghiệp đang vướng phải, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG cho biết thêm, trên thị trường không cái gì không bị làm giả được. Đến mức, đồng USD, tem chứng nhận... cũng bị làm giả.
Ông Hồng cho rằng, hiện nay đã có giải pháp chống hàng giả bằng tem thông minh. Loại tem thông minh này ứng dụng 5 công nghệ chống hàng giả trên một con tem. Từ con tem này, giúp quản trị bán hàng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
PGS.TS Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, ngày hôm qua (16/11), ông đã cùng lực lượng chức năng TPHCM đi kiểm tra thực địa tại huyện Bình Chánh thì phát hiện rất nhiều cơ sở sản xuất không có giấy phép, hoặc nếu có giấy phép thì sản xuất không đúng quy định nên ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng.
Từ nay đến Tết nguyên đán, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ phối hợp cùng các ban ngành, địa phương, không chỉ "dẹp loạn" thị trường phân bón, thuốc lá, mỹ phẩm mà "đánh mạnh" vào thị trường đồ ăn, thức uống. "Phải từng bước đồng hành cùng Chính phủ đẩy lùi vấn nạn này. Phải xử lý mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Phải quyết liệt, tích cực hơn", ông Thế nói.
Nếu không thay đổi tư duy, nhận thức thì chắc chắn cuộc chiến chống hàng nhái, giả thất bại. |
Tại hội thảo, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM cho rằng cần phải "định danh" được thế nào là thương hiệu, logo... mà luật sở hữu trí tuệ chưa định nghĩa. "Nếu không thay đổi tư duy, nhận thức thì chắc chắn cuộc chiến chống hàng nhái, giả thất bại", ông Khuê khẳng định.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển... cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa. Chủ động nắm bắt địa bàn, nhận diện đối tượng để kịp thời phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng phải lên tiếng, đề xuất để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chống hàng gian, hàng giả.
"Thái độ trách nhiệm của các cơ quan quản lý cấp Bộ như Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương rất thẳng thắn. Phải từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý. Phải áp dụng các hình thức truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm, thị trường minh bạch", ông Đàm Thanh Thế nói.