Phát hiện phân bón giả tại nhà ông Cao. |
Tại hiện trường, chủ cơ sở tự giới thiệu tên là Nguyễn Hoàng, là người địa phương này, mở xưởng sản xuất phân bón hơn 3 năm nay, thông qua việc chuyên nhận phân gà và vỏ càphê của dân để gia công. Toàn bộ quy trình chỉ đơn giản là ủ cho phân hủy, pha trộn, đóng bao, nhận tiền gia công chỉ 1.000đ cho mỗi bao 12kg.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng cho biết, cơ sở sản xuất của ông không có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép sản xuất phân bón. Thời điểm kiểm tra có 4 công nhân đang làm việc, xưởng sản xuất phân bón không có biển hiệu, không có đăng ký kinh doanh; nhà sản xuất phân bón là mái tôn tường lửng; có 80 chiếc vỏ bao loại 50kg 2 lớp PE bên ngoài, nilon bên trong in vỏ phân bón hữu cơ vi sinh chuyên dùng cho càphê, tiêu, in trên cơ sở Cty TNHH Hoàng Nguyên Cát, 21/1 Đường 8 Bình Hưng Hòa, Bình Tân, TP. HCM. Ngày sản xuất 1.3.2016, hạn sử dụng 2 năm, sản xuất tại xí nghiệp phân bón Đông Thạnh, 290D Đặng Phúc Vĩnh, Đông Thạnh, Hóc Môn.
Theo ông Hoàng, số bao in mới có nhãn hiệu phân bón vi sinh này do khách hàng tự đem đến, in gì và đưa về đâu ông không biết. Ông Hoàn cũng xác nhận trước đây cảnh sát môi trường từng xử phạt cơ sở này về hành vi sản xuất phân bón không phép gây ô nhiễm môi trường, nhưng sau đó vẫn cho tồn tại.
Cách xưởng phân bón không phép của ông Hoàng chỉ khoảng 300m, là xưởng sản xuất phân bón của ông Nguyễn Thành Cao (hộ khẩu thường trú ở thôn 1 xã Cư Ea Bua). Ông Cao cho biết, xưởng sản xuất phân bón của ông hoạt động đã hơn 5 năm, trên đất rẫy của ông, nguyên liệu từ nguồn phân gà của trang trại chăn nuôi của gia đình ông tự nuôi. Số phân gà này được ông pha với vỏ quả càphê và nguyên liệu khác do khách hàng đưa tới nhờ gia công, tương tự như bên xưởng ông Hoàn. Phân bón của ông được bán ra ngoài với giá từ 2.300 đồng/kg trở xuống.
Thanh tra Bộ đã lập biên bản, yêu cầu 2 chủ xưởng sản xuất phân giả ký xác nhận và mời 2 chủ xưởng chiều ngày 21.4.2016 đến trụ sở Sở NN&PTNN Đắc Lắc để đoàn tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan.
Theo ông Nguyễn Phú Trường - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp - Thanh tra Bộ NN&PTNN, cho biết: Theo quy định thì tất cả các đơn vị, cá nhân sản xuất phân bón phải đăng ký kinh doanh, đăng ký giấy phép sản xuất và tất các sản phẩm được đưa ra thị trường phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
Bước đầu chưa thể khẳng định được vấn đề chất lượng sản phẩm nhưng chúng tôi ghi nhận được cả 2 cơ sở đều không có giấy phép kinh doanh và không đăng ký giấy phép sản xuất. Các cơ sở sản xuất này đều hết sức tạm bợ và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bở mùi hôi và nước thải từ việc sản xuất.
Đắc Lắc là tỉnh trọng điểm về cây công nghiệp và nhiều loại nông sản giá trị cao. Dư luận và thực tế cho thấy vấn nạn phân bón giả, không phép, kém chất lượng hoành hành rất phức tạp, gây tổn thất lớn cho nông dân và nông nghiệp, nên đoàn đã chọn đây làm điểm đột phá của chương trình thanh kiểm tra về phân bón trên địa bàn khu vực Tây Nguyên.