Những năm gần đây, người tiêu dùng Việt thường có xu hướng sính ngoại, ưa chuộng những mặt hàng trái cây có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, hay ít ra là những mặt hàng được dán nhãn “nhập khẩu”. Tuy nhiên, liệu những trái cây được dán nhãn 'nhập khẩu' như một tấm danh thiếp khẳng định chất lượng có thực sự đúng như người tiêu dùng vẫn tin tưởng?
Táo Mỹ giá rẻ bày bán tràn lan ở Sài Gòn.
Táo Mỹ giá 'bèo' 40.000 đồng/kg
Khảo sát tại các chợ ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, rất nhiều xe bán trái cây lưu động quảng cáo táo Mỹ giá siêu rẻ 40.000 đồng/kg. Quan sát trái táo Mỹ này, thấy có hình bầu dục, màu đỏ - vàng chứ không đỏ bầm như các loại táo Mỹ bán trong siêu thị. Bên ngoài có dán chiếc tem bé xíu màu xanh có dòng chữ “Product of Poland - GALA ROYAL #4174”. Táo cứng, bóp chắc tay. Cắn thử thì thấy giòn ngọt nhưng xen lẫn vị chua. Một người đã từng mua táo này cho biết, thấy rẻ nên mua về cúng. Táo để cả tháng không hư, ăn vẫn giòn ngọt.
Thắc mắc sự khác biệt về giá cả thì các chủ hàng đều khẳng định táo của mình là hàng nhập khẩu 100%, giá rẻ hơn vì bên đó “trúng mùa, rớt giá”. Đáng nói là tem mác được dán trên mỗi trái táo ở chợ đều giống nhau y hệt khi không thể kiểm tra bằng các ứng dụng xác minh nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, khi đem trái táo được mua ở đây sang một sạp bán trái cây nhập khẩu uy tín tại chợ Bến Thành (quận 1) thì chị Hương, chủ sạp này cho biết, táo Mỹ nhập khẩu không bao giờ có giá bèo như vậy. Chị Hương khẳng định: Đây là táo Trung Quốc, chỉ bán ở các xe đẩy vỉa hè chứ quầy sạp kinh doanh cố định không lấy mặt hàng này. Thông thường trái cây nhập khẩu từ Mỹ có tem sẵn khi được vận chuyển vào Việt Nam và có thêm mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Còn trái cây Trung Quốc khi nhập qua Việt Nam thường không có mã vạch.
"Hiện nay, rất nhiều sạp bán trái cây cũng đều ghi xuất xứ từ Mỹ, New Zealand, Chile, thế nhưng len lỏi trong những mặt hàng này vẫn khá nhiều sản phẩm của Trung Quốc. Bởi lẽ, nhiều chủ hàng ở đây sợ tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc nên đã tìm cách “lách” bằng cách dán tem, nhãn của châu Âu, Mỹ nhằm tạo sự an tâm cho người tiêu dùng" - chị Hương cho biết thêm.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, cho hay, việc các tiểu thương dán tem nhập khẩu giả lên trái cây đã được phát hiện cả chục năm nay và ban quản lý thị trường đã kiểm tra và bắt nhiều vụ. Tuy nhiên, để dẹp bỏ vấn nạn này rất khó, vì khi kiểm tra đơn vị kinh doanh luôn giấu giếm đợi cho đến khi quản lý thị trường “đi khuất” thì lại đem ra bán.
“Để bảo vệ thương hiệu của mình các nhà nhập khẩu phải tự tìm cách thay đổi nhận diện để cho người tiêu dùng phân biệt. Còn người tiêu dùng nên cẩn trọng và quan sát kỹ hơn khi mua hàng”, ông Kiếm khuyên.
Cách phân biệt táo Trung Quốc và táo nhập khẩu
Hiện nay táo trung quốc được bán rất nhiều với đủ các loại táo khác nhau khiến chúng ta khó phân biệt được loại táo nào, táo trung quốc bày bán trên chợ đôi khi còn được gắn mác là táo Mỹ, táo New Zealand,...
Để nhận biết được táo trung quốc và phân biệt táo Việt Nam, táo Mỹ với táo tàu, táo trung quốc thì chúng ta cần chú ý một số dấu hiệu phân biệt:
Táo nhập khẩu có dáng hơi vuông, góc cạnh
Theo kinh nghiệm của một chủ cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu của Klever Fruit, Táo Trung Quốc quả hình tròn, màu hồng phấn hoặc hồng nhạt, thường bọc trong lớp xốp, trên đầu có bột trắng li ti.
Trong khi đó, táo nhập khẩu cao cấp có dáng hơi vuông, góc cạnh, màu vàng kem và màu đỏ xen lẫn với nhau, (hoặc màu đỏ thẫm điểm các chấm đỏ hồng) ăn ngọt và giòn và đặc biệt mùi rất thơm.
Một cách phân biệt khá đơn giản nữa là áp quả táo vào tai, búng nhẹ, âm thanh phát ra đanh chứng tỏ độ giòn của táo rất cao. Đây chính là đặc điểm của táo nhập khẩu mà táo Trung Quốc không có.
Cách nhận biết táo Trung Quốc
Theo chị Hoàng Thị Hiền, chủ cửa hàng hoa quả sạch trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) thì hiện nay, chị không nhập được loại táo nào của Hà Giang hay Tây Bắc như nhiều người nói. "Hiện nay, đang mùa táo Trung Quốc đổ về nên các đường, chợ bán rất nhiều. Tuy nhiên, nói nó có độc hại hay không thì tôi cũng không dám chắc.
Có điều, người tiêu dùng nên biết cách nhận biết loại táo Trung Quốc để tránh bị đánh lừa, gán mác các mặt hàng táo nhập ngoại của một số nước như Mỹ, Úc, Newzealand".
Chị Hiền cho biết: "Táo Trung Quốc thường có hai loại: vỏ màu xanh và vỏ màu đỏ. Đối với loại táo xanh thường có vỏ xanh nhạt gần như là xanh trắng, ăn có vị chát. Táo đỏ có màu đỏ nhạt hoặc phớt hồng, màu sắc trên vỏ quả không đều nhau. Qủa táo thường nhẹ, cầm không chắc tay.
Nhiều cửa hàng thường bán loại táo được bọc trong lưới xốp. Khi bóc táo khỏi lưới xốp xuất hiện nhiều hạt màu trắng mịn, đó chính là hóa chất bảo quản.
Khi bổ táo Trung Quốc bên trong có màu vàng trắng. Táo ăn không có vị ngọt đậm, không có mùi thơm, thậm chí có mùi hóa chất lạ, thịt táo không chặt mà thường bị xốp, bộp. Hơn thế, táo Trung Quốc không bảo quản được lâu, rất dễ bị hỏng, thối. Khi thối, quả táo thường thối giữa từ phía trong ra. Có khi, nhìn bề ngoài vẫn nguyên vẹn nhưng bên trong bổ ra đã bị thối. Những quả táo như thế thì không nên ăn".