Việt Nam là đất nước nhiệt đới ẩm gió mùa nên ớt bột dễ bị ẩm mốc, chính vì vậy người bán thường hay sử dụng hóa chất và chất bảo quản. Bên cạnh đó muốn ớt có màu bắt mắt người bán còn sử dụng phẩm màu để tạo màu bắt mắt cho sản phẩm.
Tuy nhiên, các loại hóa chất, phẩm màu này khi đi vào cơ thể về lâu dài rất nguy hiểm. Chúng có thể được tích tụ thành độc tố gây hại cho gan, dạ dày, đường ruột...Thậm chí, theo một số nhà khoa học, chất Rhodamine-B được trộn trong ớt bột có thể gây ung thư.
Bạn cần thận trọng khi lựa chọn ớt bột. Nguồn ảnh:Internet
Nguy cơ về an toàn thực phẩm với ớt bột
Gần đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khuyến cáo vì lợi nhuận, một số cơ sở chế biến, doanh nghiệp sản xuất ớt khô đã sử dụng các chất phụ gia như phẩm màu, chất bảo quản không có trong danh mục được phép hoặc vượt quá giới hạn cho phép. Điều này có thể gây hại cho người tiêu dùng như suy gan, thận và hệ thống tiêu hóa, thậm chí gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, nội tiết và nặng hơn là gây ra ung thư.
Đơn cử như chất rhodamine B dùng để bảo quản và nhuộm màu đỏ tươi rất bắt mắt cho ớt để thu hút người mua. Trong khi đó, các chuyên gia cho biết rhodamine B là một loại phẩm màu phát quang chủ yếu được dùng trong một số kỹ thuật xét nghiệm y tế, không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành.
Bên cạnh sử dụng hóa chất, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nhận định việc sản xuất ớt khô, ớt bột cũng có khả năng bị lây nhiễm các vi khuẩn có hại như E.coli, Salmonella. Những loại vi khuẩn này khi đi vào cơ thể con người sẽ gây ra tiêu chảy, thương hàn. Chúng cũng dễ dàng xâm nhập vào thực phẩm nếu như cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ quá trình khai thác, thu gom, sơ chế, chế biến (từ công nhân, trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm).
Ngoài ra, mối lo ngại nhiều nhất là sản phẩm bị nấm mốc sẽ sinh ra các độc tố vi nấm mà nguy hiểm nhất là aflatoxin. Đây là loại vi nấm gây ảnh hưởng đến thận và gây ung thư gan.
Trên thực tế, vào năm 2017, kết quả kiểm nghiệm được Viện Pasteur TP.HCM công bố trong một hội nhị khoa học cho biết 48 mẫu ớt khô được Viện Pasteur TP.HCM lấy tại các chợ năm tỉnh Đông Nam bộ đều có độc tố vi nấm aflatoxin gây ung thư.
Trong đó cả 48 mẫu đều nhiễm aflatoxin B1, 35 mẫu nhiễm aflatoxin B2, 11 mẫu nhiễm aflatoxin G1. Hàm lượng aflatoxin B1 trong 48 mẫu là 0,13-46,57 microgam/kg. Trong đó có 10 mẫu nhiễm aflatoxin B1 vượt quá giới hạn cho phép trên 5 microgam/kg và sáu mẫu nhiễm aflatoxin vượt quá giới hạn cho phép trên 10 microgam/kg.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: "Ớt khô bị nhiễm vi nấm aflatoxin này rất có thể là do điều kiện thu hoạch, phơi, bảo quản, xay sấy thành bột (hoặc nguyên quả) không đảm bảo chất lượng hay không có bất cứ sự kiểm soát nào về nhiệt độ cũng như độ ẩm, an toàn vệ sinh khiến nấm mốc phát triển trên ớt".
Theo vị chuyên gia này, khi người tiêu dùng sử dụng thực phẩm mốc có độc tố aflatoxin sẽ gây ra ngộ độc trường diễn, từ từ, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là tích tụ dần dần trong gan gây ra tình trạng ung thư gan.
Phân biệt ớt bột trộn phẩm màu, hóa chất nhờ giác quan bên ngoài
Không khó để nhận biết được ớt bột thật nhờ quan sát bằng mắt thường. Đầu tiên, chúng ta nên chú ý màu sắc của bột ớt. Ớt tươi muốn làm được ớt bột khô thì phải qua quá trình phơi khô. Việc phơi dưới nhiệt độ cao sẽ làm màu của ớt không được tươi, sặc sỡ nữa mà sẽ chuyển thành màu cam sậm hoặc đỏ đậm. Trong khi đó, ớt bột giả lại được pha thêm phẩm màu nên có màu đỏ tươi tắn, bắt mắt.
Ngoài ra, nếu quan sát kĩ sẽ thấy ớt bột thật còn lẫn rất nhiều hạt ớt khô màu vàng nhưng ớt bột giả lại rất mịn, nhìn rất bắt mắt. Bên cạnh đó, khi mua ớt bột các bạn cũng nên tránh các loại sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì có thể rất dễ mua nhầm phải ớt bột trộn phẩm màu, hóa chất.
Nếu được, bạn có thể ngửi và nếm thử mùi vị của bột ớt. Nếu ớt bột thật thì sẽ khiến nhiều người bị hắt hơi, cay mũi. Với ớt bột giả thì hầu như rất ít cay, thậm chí không có mùi vị gì cả.