Theo các chuyên gia, những con tôm bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Nếu ăn phải loại tôm này người tiêu dùng sẽ có nguy cơ bị ngộ độc, thậm chí mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa.
Làm sao để nhận biết tôm bơm tạp chất và tôm sạch?
Với những mánh khóe ngày càng tinh vi của gian thương, người tiêu dùng cần "bỏ túi" các cách nhận biết tôm bơm tạp chất và tôm sạch để giữ an toàn cho chính mình và người thân.
Trong trường hợp phải dùng tôm ướp lạnh, người tiêu dùng nên chú ý chọn những con tôm thân mềm tự nhiên, hơi cong. Không chọn những con tôm cứng, có vẻ thẳng đơ, các đốt trên thân có dấu hiệu bị giãn vì những con này đã bị bơm tạp chất. Để chắc chắn hơn, bạn nên kiểm tra xem phần mang tôm có bị cứng, căng phồng bất thường hay không? Bởi nếu có thì chắc chắn chúng đã bị bơm tạp chất.
Các đốt trên thân những con bơm tạp chất thường giãn ra |
Nếu tạp chất để bơm vào tôm là thạch thì khi lột lớp vỏ ngoài ra, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy phần thạch nổi bên trên.
Ngoài ra, những tôm đã bơm tạp chất đuôi thường xòe, gai vểnh, đầu bị phù và rất dễ tách rời khỏi thân. trong khi tôm sạch đuôi thường cụp với kích thước đầu vừa phải.
Khi chế biến bạn cũng cần lưu ý, nếu thấy tôm ra nhiều nước, ngót nhiều so với ban đầu, lúc ăn thấy thịt bở, vị nhạt thì đừng nên ăn cố vì có thể đó là tôm bơm tạp chất và dễ gây nguy hại cho sức khỏe. Bởi nhiệt độ nấu chín không thể làm chết tất cả mọi loại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh, cũng như không thể loại bỏ được các loại tạp chất đã bơm trong tôm.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể chọn mua tôm tươi sống để đảm bảo trong tôm không có tạp chất. Bởi thường chỉ tôm đông lạnh mới bị bơm hóa chất, còn tôm sống không thể bơm được vì nếu bơm tôm sẽ chết ngay.
Nguồn: Kinhdoanhnet