Tại hội thảo trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) vừa tổ chức, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ kiến nghị cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.
Đề xuất cấm hoàn toàn mọi loại thuốc lá điện tử
Theo ông Quang, các nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất có hại đối với trẻ em, thanh thiếu niên nói riêng và người sử dụng các sản phẩm này nói chung. Ngoài ra, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có một số tác hại khác liên quan như lợi dụng hút thuốc lá để sử dụng các chế phẩm ma túy, hay tính an toàn của thuốc lá điện tử khi sử dụng gây cháy nổ… "Bởi vậy, Bộ Y tế đề xuất cấm mọi loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam" - ông Quang nhấn mạnh.
Bộ Y tế đề xuất cấm mọi loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thông tin thêm hiện nay, quy mô của thị trường đối với các sản phẩm thuốc lá mới còn ít, không đáng kể (2,6%) và chưa sản xuất trong nước. Do đó, việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn là cho phép thí điểm dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường. Trong khi đó, xu hướng cấm mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của các nước cũng đang gia tăng. Để phù hợp với xu hướng chung của thế giới và tránh phải giải quyết những hậu quả tương tự như một số quốc gia, Việt Nam nên cấm hoàn toàn mua bán, kinh doanh thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận giới trẻ
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi từ 13-17 sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%. Riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới 7%.
Trước những nguồn lợi nhuận khổng lồ, nhiều nhà sản xuất và phân phối thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính, nhắm vào nhóm đối tượng trẻ. Hàng loạt ''chiêu trò'' đã được sử dụng như không kiểm tra độ tuổi khi bán sản phẩm, thuê những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo, tổ chức các sự kiện nghệ thuật để tiếp thị, sản xuất nhiều loại hương vị khác nhau… Để thu hút người sử dụng, các hãng thuốc lá quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại; kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ: giá rẻ, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm; thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng và kích thước; đóng gói như kẹo; nhiều hương vị... tạo ấn tượng cho thanh thiếu niên về sản phẩm - động lực thúc đẩy sử dụng. Trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19, quảng cáo mạng xã hội càng có cơ hội phát triển và tiếp cận gần hơn với đối tượng tiềm năng.
Nicotine có trong thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người bị phơi nhiễm.
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho hay việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Trong khi đó, trên thực tế, các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc mới.
Với chiêu thức quảng cáo đánh trúng thị hiếu của giới trẻ, các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá mới đã làm giảm hoặc cản trở việc cai thuốc lá ở cấp độ quần thể thông qua việc sử dụng kép (xen kẽ giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) hoặc cả 3 loại này.
Phân tích về tác hại của loại sản phẩm này, ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, khẳng định nicotine có trong thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người bị phơi nhiễm. Đối với trẻ vị thành niên, nicotine gây mất kiểm soát, kém tập trung, trí nhớ giảm sút. Thậm chí, một số loại thuốc lá còn tiềm ẩn nguy cơ trộn ma túy, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của người hút. Chính vì vậy, cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc của giới trẻ đối với mặt hàng này. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng thuốc lá điện tử không thể hỗ trợ cai nghiện thuốc lá truyền thống.