Theo Bộ Tài chính, thời gian qua có nhiều phản ánh, hầu hết ghế massage đang bán tại Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng với các chiêu trò quảng cáo lấp lửng, khách hàng dễ nhầm tưởng đó là hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, từ đó lạc vào “ma trận” giá.
Bên cạnh đó, dù mỗi máy massage được bán ra với giá từ vài chục tới cả trăm triệu đồng nhưng hiếm khi nơi bán xuất hóa đơn VAT, hoặc ghi không đúng giá trị giao dịch thật khiến Nhà nước có thể thất thu thuế rất cao.
Ghế massage được quảng cáo, rao bán với nhiều giá khác nhau. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình)
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đối với hoạt động kinh doanh ghế massage, ngày 24/8, Tổng cục thuế đã ban hành công văn chỉ đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra hóa đơn đối với ghế massage và các mặt hàng tương tự.
Cụ thể, Tổng cục Thuế đã yêu cầu rà soát, phân loại các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ghế massage và những mặt hàng tương tự trên địa bàn quản lý có dấu hiệu rủi ro bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất và thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay.
Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan (Quản lý thị trường, Công thương, Tài chính, Hải quan, ...) để tăng cường các biện pháp quản lý đối với các đối tượng nêu trên.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về quy định chính sách thuế, đồng thời cảnh báo người nộp thuế cố tình gian lận sẽ bị cơ quan thuế xử lý nghiêm.
Đối với việc quản lý hải quan về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage, trên cơ sở phản ánh, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu để làm rõ việc khai báo về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage nhập khẩu.
Trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp gian lận về xuất xứ, nhãn hàng hóa theo quy định.