Báo cáo thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với mức tăng trưởng trung bình một năm từ 25-30%. Năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử lên tới 8 tỷ USD.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và có nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng cao.
Tuy nhiên, theo Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong những năm gần đây thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều gian hàng đăng hình ảnh hàng thật để thu hút người tiêu dùng nhưng lại bán hàng giả, hàng nhái giá rẻ.
Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sắm hàng hóa online. Ảnh minh họa.
Trên các trang Lazada, Shopee, Sendo,... khách hàng có thể chọn mua bất cứ loại hàng hóa có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng như điện thoại, máy tính xách tay, máy ảnh, xe máy đến hàng hóa có giá trị thấp hơn như thời trang, mỹ phẩm, hàng gia dụng, bách hóa tổng hợp sử dụng hằng ngày.
Đơn cử, chỉ cần gõ “giày Converse” thì trên các trang bán hàng Shopee, Lazada hiện ra các mức giá siêu rẻ từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí chỉ cần 100.000 đồng là có một đôi giày được giới thiệu là Converse “chính hãng”.
Hay tìm kiếm mua “tai nghe iPhone chính hãng” thì đủ các loại thượng vàng hạ cám với giá thậm chí dưới 100.000 đồng. Trong khi đó, với một tai nghe chính hãng, giá bán hiện được niêm yết là 800.000 đồng tại FPT Shop.
Cửa hàng TimeZone (TP.Hồ Chí Minh) đăng ký bán trên Lazada tai nghe iPhone với mức giá chỉ 15.000 đồng. Trong phần hỏi đáp, nhiều người đặt câu hỏi đây có phải hàng chính hãng không. Chủ shop trả lời qua loa và nói rằng đây là hàng đang giảm giá.
Tài khoản Sơn Nguyễn, quản trị viên nhóm Facebook cộng đồng thiết bị nhà thông minh lớn tại Việt Nam phản ánh: Giá bán loa thông minh Google Home Mini trên thị trường là 900.000 đồng nhưng được rao bán trên Shopee chỉ để giá bằng 1/3 thị trường. Tuy nhiên, khi người dùng trả tiền và nhận gói hàng được gửi từ Shopee thì bên trong chỉ là loa Trung Quốc, không phải là sản phẩm loa Google Home Mini chính hãng.
Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại địa chỉ 27 Trần Bình (Cầu Giấy) do Công ty TNHH RELEX Việt Nam quản lý, kinh doanh đã rao bán gần 100 chiếc điện thoại di động Trung Quốc sản xuất nhái thương hiệu Samsung, NOKIA, VERTU...
Nói về những hành vi vi phạm trên các sàn TMĐT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 T.Ư Đàm Thanh Thế cho biết, các vi phạm trên môi trường TMĐT chủ yếu là không đăng ký kinh doanh; nhiều cá nhân bán hàng giả, hàng nhái nhưng lại đăng hình ảnh hàng hóa thật trên website đánh lừa người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, luật, mặc dù các sàn TMĐT chỉ là đơn vị đứng trung gian giữa bên bán và bên mua trong các giao dịch nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc chất lượng hàng hóa được bán trên sàn.
Theo luật sư Nguyễn Quốc Phong (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh): Theo quy định Bộ Công Thương ban hành từ năm 2014, chủ sàn giao dịch TMĐT hay website bán hàng phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Nhưng thực tế nhiều sàn tmđt đang có vẻ không tuân thủ về pháp luật trong hoạt động của mình. Theo đó, khoản 3 Điều 36 của Nghị định 52 yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin khi đăng ký sử dụng dịch vụ trên sàn”.
Theo đó, ông Phong cho biết nội dung đăng ký gồm tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân. Ngoài ra, pháp luật yêu cầu phải cung cấp số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân. “Như vậy, một số sàn tmđt hiện nay không yêu cầu người bán hàng cung cấp đăng ký kinh doanh là sai luật. Chính điều này đã khiến cho người kinh doanh có thể thoải mái buôn bán các mặt hàng do mình đăng tải trên sàn TMĐT mà không bị “gò bó” hay lo sợ kiểm soát” - luật sư Phong khẳng định.
Ông cũng cho hay ngay từ khi đăng ký đề án và lập trang TMĐT cho đến khi đi vào hoạt động thì các sàn này thực ra cố tình làm lơ quy định pháp luật để thu hút người bán, người mua bằng mọi giá. Đó là chiêu trò của họ. Vì càng nhiều người bán, lượng hàng càng phong phú thì càng được nhiều người biết đến và mua. Các sàn sẽ được rất nhiều lợi nhuận từ việc chiết khấu giá sản phẩm, quảng cáo và cả dữ liệu khách hàng.
“Lâu nay chúng ta quên rằng các sàn TMĐT ngoài việc tuân thủ theo luật của TMĐT còn phải tuân thủ các điều luật chuyên ngành khác liên quan tới hàng hóa như Luật Quảng cáo, Luật Văn hóa phẩm.... Nhưng họ cố tình nhắm mắt cho qua. Điều này cần phải xử lý, không chỉ là hành chính mà còn là tước quyền kinh doanh” - ông Phong tái khẳng định.
Tại một hội thảo “chống hàng giả, hàng nhái” tổ chức tại TP Hồ chí Minh, bà Nguyễn Thị Minh Tuyền - Phó Cục Trưởng Cục TMĐT & kinh tế số cho rằng, TMĐT có tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm, nhưng tổng mức bán lẻ TMĐT rất thấp, chỉ khoảng 3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Lý do là vì sản phẩm chất lượng kém so quảng cáo, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại còn phổ biến.
Trong khi đó, việc kiểm tra hoạt động TMĐT gặp không ít khó khăn như: Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn; Người bán mặt hàng cấm không đưa rõ hình ảnh sản phẩm, đưa tên khác, hoặc tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng... Chính vì gặp nhiều khó khăn như vậy mà việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trên TMĐT không cao.
Theo Luật sư Bùi Quang Tín - Đoàn Luật sư TPHồ Chí Minh, sàn giao dịch TMĐT cũng giống như các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và chủ sàn TMĐT đóng vai trò như Ban quản lý. Vì vậy, các chủ sànTMĐT phải chịu trách nhiệm đối với hàng hóa được bày bán trên trang web của mình.
Cũng theo luật sư Tín, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, thì mức độ xử phạt tùy thuộc vào hành vi vi phạm cụ thể từ trang TMĐT, chủ yếu là phạt tiền.
Nhưng bất cập hiện nay đó là mức phạt còn quá nhẹ, chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng nếu bị phát hiện kinh doanh hàng sai phạm.
Với mức phạt như vậy sẽ không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm nên tình trạng bán hàng giả, nhái, trôi nổi trên các sàn TMĐT vẫn còn tiếp diễn.
Luật sư Tín cho rằng, cần tăng cao hơn nữa mức xử phạt những đối tượng bán hàng vi phạm, buộc các chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm với sản phẩm bày bán trên sàn của mình.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, kết hợp ứng dụng công nghệ thì mới đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại trên TMĐT. Tuy nhiên, trước khi các cơ quan quản lý xây dựng được các chế tài đủ sức răn đe, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trước nạn hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.
Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về quản lý website TMĐT ứng dụng trên thiết bị di động nhằm khắc phục những điểm hạn chế trong quản lý, đồng thời đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến vào khuôn khổ. Bộ sẽ cho công khai tên website TMĐT, ứng dụng di động cũng như tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, ứng dụng có các hành vi vi phạm.
Ông Ðặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Ðiện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết để quản lý các hình thức kinh doanh trực tuyến này, Bộ Công Thương sẽ cho công khai tên website TMĐT, ứng dụng di động cũng như tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, ứng dụng có các hành vi vi phạm.