Luật này vừa được ông Biden ký vào ngày 24/4, một ngày sau khi quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng. Trong đó, yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trước hạn 19/1/2025 hoặc phải dừng hoạt động tại Mỹ.
Thời hạn thoái vốn trước khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ tổng thống một ngày, nhưng có thể gia hạn ba tháng nếu đánh giá ByteDance đạt được tiến bộ.
Trước tình hình trên, CEO TikTok Shou Zi Chew tin nền tảng sẽ giành chiến thắng trong nỗ lực pháp lý nhằm chặn đạo luật vừa được Tổng thống Biden thông qua: "Đây rõ ràng là lệnh cấm nhằm vào TikTok. Nhưng hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Sự thật và Hiến pháp Mỹ đều đứng về phía chúng tôi".
Trước đó, đại diện của TikTok đã chỉ trích đạo luật sẽ tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người Mỹ, gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, khiến các nghệ sĩ mất khán giả và phá hủy sinh kế của người sáng tạo trên khắp nước này.
Các văn phòng thuộc quốc hội Mỹ hồi tháng trước tràn ngập cuộc gọi từ người dùng nhằm phản đối dự luật. Khi đó, phe ủng hộ dự luật cho rằng "chiến dịch gây áp lực" của TikTok càng cho thấy lệnh cấm là cần thiết.
Không chỉ Mỹ, các nước phương Tây cũng đang xem xét hoạt động của TikTok, do lo ngại nguy cơ dữ liệu người dùng rơi vào tay Trung Quốc. Các cơ quan an ninh Đức từng cảnh báo người dân không dùng TikTok, trong khi ứng dụng bị cấm trên thiết bị của nhân viên nhà nước ở nhiều quốc gia. Nền tảng video ngắn khẳng định các cảnh báo này không có cơ sở, nhấn mạnh họ không thu thập dữ liệu nhiều hơn những ứng dụng khác.