Nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen vừa cho biết tình trạng thiếu phụ tùng khiến sản xuất ở Wolfsburg và một số nhà máy khác của Đức chậm lại.
Hãng xe Đức khác là BMW cho biết họ sẽ cắt giảm sản xuất tại các nhà máy ở Đức, Áo và Anh.
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: VOV
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của BMW ở Munich; ở Dingolfing, phía đông bắc Munich; tại nhà máy sản xuất động cơ ở Steyr, Áo; và tại một nhà máy Mini ở Oxford, Anh đều bị ảnh hưởng.
BMW cũng sẽ dừng sản xuất ô tô ở Nga và không xuất khẩu xe sang Nga. Hãng xe Đức có nhà máy lắp ráp ô tô ở thành phố Kaliningrad, hợp tác với nhà sản xuất ô tô nội địa Avtotor.
Mercedes-Benz không thông báo ngừng hoạt động nhưng nói sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ukraine. “Còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác động của tình hình Ukraine đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, Mercedes nói.
Năm ngoái, các nhà sản xuất ôtô toàn cầu thu lợi nhuận lớn, bất chấp tình trạng thiếu chip khiến họ không thể sản xuất đủ xe cho nhiều thị trường. Sản lượng ít dẫn đến giá xe mới tăng vọt, tạo ra biên lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, xung đột Ukraine - Nga lần này đã giáng đòn mới lên ngành ôtô. Các nhà phân tích cho rằng, tác động ban đầu đối với một số nhà sản xuất ôtô là làm giảm sản lượng xe toàn cầu, khoảng 1,5 triệu chiếc trong năm nay. Con số này ít hơn 2% so với 84,2 triệu chiếc mà IHS Markit dự báo trước khi xung đột ở Ukraine diễn ra.
Dù vậy, Stephanie Brinley - nhà phân tích ôtô tại IHS Markit cho rằng, đó vẫn là kịch bản lạc quan. "Sản lượng có thể giảm đến 3 triệu xe", bà nói. Theo chuyên gia này, còn quá sớm để biết chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hỗn loạn như thế nào.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô tại Nga cũng có lý do để lo lắng khi phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Tập đoàn Gaz, chuyên sản xuất xe thương mại và linh kiện ô tô xuất khẩu, đã công khai cảnh báo về việc họ phải ngừng sản xuất nếu các lệnh trừng phạt được ban hành. Một số nhà sản xuất ô tô nước ngoài đang hiện diện tại Nga như Stellantis cũng đang báo động tình trạng đáng lo ngại.
Joe Phillippi, người đứng đầu AutoTrends Consulting, cho biết các lệnh trừng phạt "chủ yếu sẽ tác động đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu và một số hãng châu Á".
Khi cuộc xung đột hiện tại bắt đầu, Stellantis đã tăng cường sản xuất xe tải và các loại xe khác phục vụ cho việc xuất khẩu tại một nhà máy bên ngoài Moscow. Tuy nhiên, giám đốc điều hành Carlos Tavares của tập đoàn cho biết công ty có thể phải suy nghĩ lại về chiến lược đó: "Nếu chúng tối không thể cung cấp cho nhà máy, nếu điều đó trở thành sự thật, chúng tôi phải chuyển việc sản xuất sang nhà máy khác hoặc phải tự giới hạn".
Trong số các nhà sản xuất châu Âu đang hoạt động tại Nga, Volkswagen cho biết: "Mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại các quốc gia bị ảnh hưởng đang liên tục được xác định".
Nhà phân tích Abuelsamid cũng chia sẻ: "Câu hỏi lớn ở đây là Trung Quốc sẽ làm gì", đồng thời ông đưa ra giả thuyết: "Nếu chúng ta áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga, họ có thể đáp trả và ngừng cung cấp những thứ cần thiết cho chúng ta", trong đó gồm bảng mạch và các nguyện liệu thô khác, chẳng hạn như Lithium dùng cho pin xe điện.
Các nhà phân tích Abuelsamid và Phillippi cho rằng, xét đến sự mong manh hiện tại của chuỗi cung ứng ô tô, còn quá sớm để xác định mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đối với ngành công nghiệp ô tô - nhưng rõ ràng có những lý do để các nhà sản xuất phải lo lắng.