Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định nhằm mục đích góp phần kích thích tiêu ôtô sản phẩm thân thiện với môi trường; góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh, cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu, quan điểm nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định tại điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định mức thu LPTB đối với ôtô điện chạy pin. Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, ôtô điện chạy pin sẽ tiếp tục nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0% đến hết ngày 28/2/2027.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Bộ Tài chính cho hay, những năm đầu gia nhập thị trường, tốc độ đăng ký xe ôtô điện chạy pin lần đầu ở mức khá cao. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm xe ôtô điện chạy pin gia nhập thị trường đã dần ổn định, giả sử cùng lượng xe ôtô điện chạy pin đăng ký năm 2024, nếu áp dụng mức thu LPTB 0% đối với xe ôtô điện chạy pin trong giai đoạn 1/3/2025-28/2/2027 sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước về LPTB khoảng hơn 4.800 tỷ đồng/năm (giảm thêm 2.400 tỷ đồng/năm so với quy định hiện hành tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP).
Bộ Tài chính đánh giá, việc tiếp tục áp dụng mức thu LPTB 0% đối với xe ôtô điện chạy pin góp phần phát triển thị trường, ngành công nghiệp ôtô điện và các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác động lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, trong đó quy định ưu đãi LPTB đối với ôtô điện chạy pin như sau: trong 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, nộp LPTB lần đầu với mức thu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, nộp LPTB lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ôtô chạy xăng, dầu có cùng chỗ ngồi.
Bộ Tài chính đánh giá, quá trình triển khai thực hiện chính sách mức thu LPTB 0% đối với xe ôtô điện chạy pin thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động đối với người tiêu ôtô, nhà sản xuất và phân phối ôtô điện chạy pin, đối với môi trường không khí và tác động đối với thu ngân sách nhà nước.
Qua 3 năm áp dụng, số lượng xe ôtô điện chạy pin nộp LPTB lần đầu tăng đột biến, cụ thể: Từ 1/3/2022 - 31/12/2022, số lượng xe ôtô điện chạy pin đăng ký LPTB lần đầu là 4.040 xe, bình quân 404 xe/tháng. Năm 2023, số lượng xe ôtô điện chạy pin đăng ký LPTB lần đầu là 29.281 xe, bình quân 2.440 xe/tháng, tăng gấp 6,04 lần so với năm 2022. Năm 2024, số lượng xe ôtô điện chạy pin đăng ký LPTB lần đầu là 79.781 xe, bình quân 6.648 xe/tháng, tăng gấp 2,72 lần so với năm 2023.
Sau 3 năm, xe ôtô điện chạy pin đã dần khẳng định được vị trí vững chắc trên thị trường ôtô Việt Nam, từ đó hỗ trợ các nhà phân phối đẩy mạnh tiêu thụ dòng xe thân thiện với môi trường và góp phần giúp doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô điện chạy pin.
Đối với môi trường: So với ôtô truyền thống, loại xe ôtô điện chạy pin có ưu điểm vượt trội là không sử dụng nhiên liệu xăng, khí (nhiên liệu hóa thạch), không chỉ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt mà còn góp phần làm giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới phát triển xanh, bền vững.