Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình sâu, bệnh đặc biệt là tình hình rầy nâu cuối vụ, vận động nông dân thăm đồng thường xuyên để theo dõi tình hình phát sinh phát triển của rầy nâu để kịp thời có biện pháp xử lý.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, diện tích gieo trồng lúa Đài thơm 8 tại Cần Thơ trong vụ Đông - Xuân này chiếm tỷ lệ 42,9%; lúa thơm Jasmine 85 chiếm tỷ lệ 24%, lúa thơm RVT chiếm tỷ lệ 6,5%; lúa chất lượng cao OM 5451 chiếm tỷ lệ 4,5%; các giống lúa OM 380, OM 18, OM 4218, ST, Lộc Trời… chiếm tỷ lệ 15,6%. Riêng giống lúa IR50404 chỉ chiếm tỷ lệ 6,5% trên tổng diện tích.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, trong năm 2020, các giống lúa thơm và chất lượng cao được nông dân sử dụng trong từng vụ cũng đã chiếm tỷ lệ khá cao, với trên 70%. Năm 2020, địa phương này đã gieo trồng 3 vụ lúa đạt tổng diện tích khoảng 223.000 hécta, vượt 4,17% so với kế hoạch, với sản lượng đạt hơn 1,389 triệu tấn, vượt 6,67% kế hoạch.
Tính đến ngày 17-2, Cần Thơ đã có 73 ha lúa Đông-Xuân 2020-2021 tại các quận Ô Môn và Thốt Nốt được thu hoạch, với năng suất khá cao, ước đạt 7,1 tấn/ha. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Vụa lúa Đông - Xuân 2020-2021 hiện nay chủ yếu ở giai đoạn chắc xanh đến chín. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình sâu, bệnh đặc biệt là tình hình rầy nâu cuối vụ, vận động nông dân thăm đồng thường xuyên để theo dõi tình hình phát sinh phát triển của rầy nâu để kịp thời có biện pháp xử lý. Trên những trà lúa sắp thu hoạch nhắc nhở bà con cần chủ động liên hệ các dịch vụ máy gặt đập liên hợp và vận chuyển, thu mua…để thu hoạch và tiêu thụ lúa kịp thời, tránh lúa chín để lâu trên đồng có thể bị giảm năng suất và chất lượng.