Chủ nhật , 29/09/2024, 09:14 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Quy trình trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Quy trình trồng và chăm sóc cây sầu riêng
(Tieudung.vn) - Trồng và chăm sóc cây sầu riêng là một quá trình theo dõi sinh trưởng và phát triển của cây từ khi bắt đầu trồng đến khi thu hoạch,… Phòng kỹ thuật Công ty TNHH Sitto Việt Nam xin giới thiệu đến bà con nông dân quy trình trồng và chăm sóc cây sầu riêng từ khi trồng đến khi thu hoạch và sau thu hoạch.

Giai đoạn trồng và chăm sóc cây con:

Chuẩn bị mô/hố trồng: Tuỳ vào điều kiện canh tác, thổ nhưỡng bà con có thể áp dụng kiểu trồng cho phù hợp; Kiểu trồng Miền Tây (đào mương, lên liếp): Liếp đơn: Liếp rộng 6-8 m; mương rộng 1-2 m, sâu từ 1-1,2 m; Liếp đôi: Liếp rộng 10-12 m; mương rộng 4-5 m, sâu từ 1-1,2 m; Kích thước mô: Cao 60-80 cm, chân mô 2-3m, mặt mô 1-2m.

Kiểu trồng Miền Đông – Tây Nguyên: Kích thước hố (bồn): Đất tốt thì 60 x 60 x 60cm; Đất xấu thì 70 x 70 x 70cm; Khoảng cách trồng: Tốt nhất nên trồng thưa để vườn thông thoáng, cây khoẻ mạnh, dễ chăm sóc và ít bị bệnh thối trái. Tuỳ theo thực tế mà có nhiều phương thức trồng như trồng thuần hay trồng xen. Nếu trồng thuần: 7x7 m hoặc 8x8 m (150-200 cây/ha); Nếu trồng xen: 10 x 10-12 m (70-100 cây/ha)

Quy trình trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Chăm sóc sầu riêng giai đoạn ra hoa và trái non

Cách trồng:

Xử lý hố/mô trồng bằng vôi, giúp nâng pH và sát khuẩn trước khi trồng (pH đất phù hợp 5.5-6.5). Pha 4 lít Utra-Green với 200 lít nước, phun ướt mô/hố trồng; Đảo trộn hỗn hợp đất và phân sau đó lấp mô/hố trước khi trồng 10-15 ngày. Với công thức phân cho 1 mô/hố như sau: 15-20 kg phân chuồng (hoặc 2-3 kg hữu cơ) + 0,5 kg super Lân + 200 g NPK 16-16-8, thuốc để trừ mối, dế, kiến và sâu đất; Mỗi giữa hố 1 lỗ vừa bịch cây con. Xé bỏ bầu sao cho không bị vỡ bầu. Đặt cây vào hố trồng, lấp đất ngang mặt bầu cây con và dậm chặt. Vun mu rùa xung quanh gốc cây chống đọng nước. Những nơi đất cao, sườn dốc, nên trồng âm sâu hơn mặt đất; Cắm cọc và buộc giữ cây con khỏi đổ ngã và nhằm hạn chế cây bị lung lay, động rễ. Sau đó phủ kín cỏ rác để giữ ẩm cho cây; Sau trồng cần che bóng cho cây con và không che quá 50% ánh sáng. Vì lá của cây Sầu riêng con mỏng và yếu. Vào những ngày trời nắng gắt cần che chắn bớt lượng ánh sáng mặt trời để giúp lá không bị cháy nắng. Đồng thời, bộ rễ của cây lúc này chưa thực sự phát triển, dễ bị gió lay làm cho bật gốc, gãy cành.

Tưới nước và bón phân:

Cần tưới nước thường xuyên khi trời nắng hạn để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây khoẻ mạnh, nhanh cho trái; Tháng đầu tiên sau khi trồng nên tưới 01 lần/ngày. Đảm bảo chu kỳ tưới 03 lần/tuần (lượng nước tưới 100-150 lít/cây/lần); Cây Sầu riêng không ưa nước đọng. Do đó, trong kỹ thuật chăm sóc cây con, bà con cần lưu ý tạo rãnh thoát nước vào mùa mưa. Điều này tránh gây thối rễ và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển; Vào mùa khô, bà con cần lưu ý thực hiện tấp tủ quanh gốc, tưới nước đều đặn để giữ ẩm. Tuyệt đối tránh để cây bị úng ngập hoặc khô hạn quá mức vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây con.

Sau khi trồng thấy cây ra tượt non đầu tiên mới tiến hành bón phân. Lượng phân bón nên chia nhỏ làm nhiều lần bón (4-9 lần), năm đầu tiên nên bón 6-9 lần/năm. Phân bón có thể pha vào nước để tưới gốc hoặc xới nhẹ xung quanh gốc để bón phân và tưới nước. Năm đầu tiên: Tổng lượng phân gồm 5-10 kg Sitto Phat Uro-1 + 1-1,5 kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 6-9 lần bón/cây/năm; Năm thứ 2: Tổng lượng phân gồm 5-10 kg Sitto Phat Uro-1 + 1,5-2 kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 4-6 lần bón/cây/năm; Năm thứ 3: Tổng lượng phân gồm 5-10 kg Sitto Phat Uro-1 + 2-2,5 kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 4-6 lần bón/cây/năm; Năm thứ 4: Tổng lượng phân gồm 5-10 kg Sitto Phat Uro-1 + 2,5-3,5 kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 4-5 lần bón/cây/năm; Từ năm thứ 5: Tổng lượng phân gồm 5-10 kg Sitto Phat Uro-1 + 3,5-4,5 kg NPK Sitto Phat 20-20-15+TE, chia ra 4-5 lần bón/cây/năm.

Quy trình trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Chăm sóc sầu riêng giai đoạn trái non

Phun dinh dưỡng qua lá bổ sung, chất kích rễ, thuốc bảo vệ thực vật giúp cây Sầu riêng phát triển nhanh, hạn chế sâu bệnh gây hại, đặc biệt giai đoạn ra đọt non. Quản lý tốt bệnh thối rễ, bọ trĩ, rầy xanh, rệp sáp, thán thư giai đoạn cây kiến thiết.

Cắt tỉa cành, tạo dáng:

Để cây Sầu riêng có một bộ tán khỏe mạnh, vững chãi, cắt tỉa cành và tạo tán trong kỹ thuật chăm sóc cây con cũng rất quan trọng. Ngay từ năm thứ 2 trở đi, bà con phải thực hiện cắt tỉa cành, tạo khung tán cho cây. Quy tắc cần đảm bảo là: Tạo cho cây bộ khung tán cân đối, tròn đều, dáng cây thông, nên cần tiến hành xoay cành, chằn cành theo hướng mong muốn; Thực hiện cắt bỏ các cành yếu, cành bị sâu bệnh, cành mọc sai hướng; Giữ lại những cành khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, có khả năng cho nhiều trái; Tỉa cành sao cho khoảng cách giữa các cành được giữ lại phải đều nhau, ánh nắng vẫn có thể lọt xuống tận gốc; Cắt bỏ đọt nếu cây mọc vượt, giữ cho cây có độ cao khoảng 5-6 m để tiện cho việc thu hoạch trái về sau.

Giai đoạn phục hồi cây sau thu hoạch:

Sau khi hoàn thành một mùa vụ, cây trồng thường bị suy yếu, kiệt sức bởi cây đã phải dốc toàn lực để làm bông và nuôi trái suốt một thời gian dài. Kèm theo đó cây phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ việc bị cắt nước để làm bông, nhiễm các hóa chất ức chế sinh trưởng, ngộ độc phân vô cơ, phải mang quá nhiều trái so với năng lực nuôi dưỡng của cây. Do đó sau thu hoạch cây trồng cần được chăm sóc đúng cách để cây mau hồi phục, chuẩn bị cho vụ trái tiếp theo đạt kết quả tốt. Do đó, sau khi thu hoạch cần thực hiện tốt các bước sau đây:

Cắt cành, tỉa tán, vệ sinh vườn:

Cắt bỏ toàn bộ cành bị khô, cành bị sâu bệnh (bệnh khô cành), cành bị gãy khi mang quả, cành tăm, cành bị sâu đục thân phá hoại nặng không thể phục hồi được. Nếu cây có nhiều cành vượt trong tán cần tiến hành cắt bỏ hạ thấp chiều cao của cây, để thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch sau này. Tập trung cắt bỏ những cành mọc thẳng ở chính giữa của cây để tạo cho vườn cây có độ thông thoáng nhất định (hình thành bộ tán hình cây thông). Sau khi cắt tỉa xong cần tiến hành dọn dẹp và mang các cành nhánh ra khỏi vườn đem tiêu hủy.

Quy trình trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Chăm sóc sầu riêng giai đoạn cắt cành tỉa cành

Khi cắt tỉa cành xong cần dùng Sitto Tincture Bioclean với liều 100 ml/100 lít nước phun đều lên toàn cây để hạn chế nấm khuẩn và loại bỏ những lá bệnh, lá già yếu không còn khả năng quang hợp.

Cải tạo đất, phục hồi rễ, thúc cơi đọt:

Trong quá trình chăm sóc giai đoạn nuôi trái, hầu hết bà con bón phân hoá học để nuôi trái, thúc trái nên làm ảnh hưởng rất nhiều đến bộ rễ tơ và làm giảm pH đất nghiêm trọng. Do đó việc điều chỉnh pH về mức thích hợp để thúc đẩy bộ rễ mới hình thành, giúp cây phục hồi rễ thân cành lá được nhanh chóng và hiệu quả hơn

Bước 1: Tiến hành kiểm tra pH đất, nếu pH đất < 5.0 cho tưới Ultra Green (4 lít) + Sitto Fulvix (500g) pha cho 300-400 lít nước, tưới cho 50-80 gốc tùy độ lớn tán cây, tưới ướt đều xung quanh gốc tán cây, tưới lại ngày hôm sau để khả năng phân tán hoạt chất rộng và sâu hơn (có thể thay thế Sitto Fulvix bằng 1 kg Sitto Humic Total).

Bước 2: 1 tuần sau tiến hành cho bón phân hữu cơ Sitto Phat Uro-1 trộn với Sitto-V Camix theo tỉ lệ 100 kg Uro-1 + 5 kg Sitto-V Camix, liều lượng bón 1-1,5 kg/cây (có thể thay thế Sitto Phat Uro-1 bằng dòng hữu cơ khoáng khác hoặc phân gà).

Bước 3: Sau 1-2 ngày bón hữu cơ, bà con tiến hành cho phun bộ Sitto Fopro 30-10-10+TE + Sitto Fulvix và Amino Kyto (tỷ lệ 250 g: 100 g: 250 ml) cho phuy 200 lít nước, phun ướt đều cây.

Bước 4: Sau khi thấy cây phát triển cơi đọt hoàn toàn tiến hành bón NPK Sitto Phat 20-20-15+TE nuôi cây dày lá.

Lập lại bước 3 và 4 cho những cơi đọt tiếp theo.

Lưu ý: Quản lý tốt bệnh và côn trùng gây hại, đặc biệt phải xử lý bệnh “nứt thân xì mủ” sau thu hoạch và phun phòng trị bọ trĩ, rầy xanh để bảo vệ cơi đọt non.

Giai đoạn tạo mầm và xử lý ra hoa:

Cây đủ điều kiện ra hoa khi cây sinh trưởng khoẻ mạnh, không sâu bệnh và đã ra được ít nhất 2 cơi đọt, tích lũy đủ lượng Carbohydrate (lá dày, xanh đậm). Sau khi cơi đọt thứ 2 hoặc thứ 3 chuyển sang lụa (lá phát triển hoàn toàn, có màu xanh nhạt) tiến hành xử lý các bước sau đây:

Bón phân tạo mầm:

Phân gốc: Sử dụng phân bón có hàm lượng Lân và Kali cao theo tỉ lệ NPK là 1:3:2 (hoặc 0:3:2), kết hợp Sitto-V Calci Bo và Sitto-V Camix. Phun lá: Dùng Sitto Fomic PK 52-34+TE liều 1,5 kg/200 lít nước, phun 2 lần cách nhau 5-7 ngày, sau đó cắt nước cho đến khi xuất hiện mầm hoa (từ 20-30 ngày tùy lực cây). Có thể thay thế Sitto Fomic PK 52-34+TE bằng Sitto Fopro 10-52-10+TE.

Quản lý nước: Cây Sầu riêng ra hoa đòi hỏi phải có thời gian khô hạn (ẩm độ đất thấp) trong thời gian 3-4 tuần và sự sinh trưởng của chồi đã suy giảm để phân hóa mầm hoa (GA3 trong lá giảm). Nếu thời gian khô hạn quá ngắn cây sẽ ra hoa ít hoặc ra hoa rải rác, không đồng loạt. Do đó, để cây ra hoa bà con cần phải cắt nước (ngưng tưới) cho đến khi thấy hiện tượng lá rũ xuống (xào lá), nứt mục trên thân cành chính. Hoa sầu riêng khi mới hình thành những chấm nhỏ có thể đi vào giai đoạn miên trang (trạng thái ngủ, đen bông) nếu gặp thời tiết bất lợi như có lượng mưa từ 10 mm/ngày. Do đó có thể áp dụng đầy mủ gốc nếu cần thiết.

Chăm sóc cây sầu riêng từ giai đoạn nhú mắt cua đến xả nhị và đậu trái:

Quản lý nước: Khi thấy hiện tượng lá rũ xuống (xào lá), nứt mục trên thân cành chính thì giai đoạn này bà con lưu ý không nên tưới sớm và thừa nước. Khuyến cáo: lượng nước và thời gian tưới bằng 1/4 bình thường. Tăng lên 1/3 so với lượng nước tưới bình thường khi xuất hiện mắt cua sáng đều (3-4 mm) và duy trì nhịp độ (chu kỳ) tưới cho đến đậu trái rồi tăng dần lượng nước.

Tác hại của tưới nước sớm và thừa nước:

Các hoa ở đầu cành phát triển mạnh (hoa không mong muốn), các mầm hoa ở vùng mang trái bị rơi vào trạng thái ngủ (đui bông). Kích thích phát triển lá trên mỗi chùm bông, dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến đậu trái, nuôi trái. Cây có thể hút thêm nước nên xảy ra tình trạng sốc nước gây rụng hoa và đậu trái giảm, bởi vì hạt phấn sẽ chết khi có nhiều nước. Hoa khi mới hình thành những chấm nhỏ có thể đi vào giai đoạn miên trang (trạng thái ngủ, đen bông) nếu gặp thời tiết bất lợi như có lượng mưa từ 10 mm/ngày. Khắc phục bằng cách phun Amine 250 ml/200 lít nước khi gặp mưa nhiều và liên tục.

Quản lý hiện tượng đi đọt non:

Cây Sầu riêng sinh lý tự nhiên là ra đọt tầm 3-4 tháng/lần và sau khi bón phân nuôi hoa, tưới nhiều nước hoặc gặp mưa nhiều làm cho giai đoạn ra đọt hay bị trùng với giai đoạn xả nhị và đậu trái non. Đặc biệt giai đoạn xả nhị, nếu không chủ động xử lý chặn đọt hoặc kéo đọt thì tỉ lệ rụng hoa, rụng trái non rất cao do đọt non cạnh tranh dinh dưỡng với hoa và trái non, từ đó xảy ra tình trạng rụng hoa, rụng trái non làm giảm năng suất sầu riêng. Giai đoạn ra hoa đậu trái bà con nên bón phân cân đối NPK tỷ lệ 1:1:1 và không nên phun qua lá có nồng độ Đạm (N) cao, có thể bón các dòng phân hữu cơ đồng thời.

Trường hợp cây đang giai đoạn nụ nhỏ mà cây ra đọt non thì sử dụng Sitto Fopro 20-20-20+ TE với liều lượng gấp đôi bao bì hướng dẫn. Xịt lúc trời mát, 7-10 ngày xịt 1 lần, liên tục cho đến khi lá già mới thôi. Trong trường hợp trước khi hoa xả nhị (trước 1 tuần) mà cây ra đọt non thì phải phun phân Sitto Fomic PK 52-34+TE với liều lượng 1,5 kg và 100 g Sitto Mix cho phuy 200 lít để hạn chế đọt non, lá non phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả non gây rụng quả non.

Quản lý phân bón:

Việc bón phân nuôi hoa và hạn chế hiện tượng đi đọt non trong thời gian mang hoa, đậu trái bà con nên hạn chế việc bón nhiều thành phần phân Đạm (N cao) để tránh đi đọt non trùng với thời điểm xả nhị và trái non. Sau khi mắt cua phát triển hoàn toàn bà con chọn phân bón NPK có tỉ lệ 1:1:1 (phân 3 số đều) để bón. Giai đoạn này cây rất cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn, sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa. Giai đoạn này khuyến cáo sử dụng phân bón gốc Sitto-V Camix + Sitto-V Calci-Bo đồng thời bổ sung qua lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây.

Thời điểm khi nụ hoa hình thành rõ, sử dụng phân bón lá Sitto Fopro 20-20-20+ TE, Amino Kyto và Calcium Boron, phun định kỳ 7-10 ngày/lần. Thời điểm trước khi xả nhị 1 tuần bà con sử dụng bộ đôi Amine + Calcium Boron giúp tăng sức sống của hạt phấn, tăng tỉ lệ thụ phấn, đậu trái và tạo độ dai chắc cho cuống hoa, hạn chế rụng trái non. Kết hợp với thuốc trừ sâu để phòng sâu ăn hoa. Phun ướt đều mặt trên và mặt dưới lá vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Tỉa hoa:

Tỉa hoa nhằm loại bỏ bớt hoa mọc ở những vị trí không cần thiết, qua đó cây sẽ tập trung dinh dưỡng để nuôi dưỡng hoa còn lại tốt hơn. Tỉa chùm hoa: Khi chùm hoa hình thành 3-5 cm (25-30 ngày). Đối với cành cấp 1, vị trí để chùm hoa đầu tiên cách thân từ 0,5-1,8 m tùy tuổi cây. Cây càng lớn, cành ở dưới thấp thì vị trí để chùm hoa đầu tiên càng cách xa thân. Nếu để hoa, quả gần thân thì hoa, quả ở vị trí này phát triển rất kém.

Đối với cành cấp 2, giữ lại những chùm hoa ở vị trí cành to, khỏe, ở nách cành cấp 2. Không để hoa ở đầu cành, vì nếu đậu quả dễ bị gió giật gây tổn thương các cành lân cận và khó thu hoạch. Chọn các chùm hoa khỏe hướng xuống dưới (không để các chùm hoa hướng ngang hoặc mọc sai vị trí). Khoảng cách giữa các chùm bông cách nhau 20-25cm. Không để dày làm cho hoa nhỏ, đậu phấn kém.

Tỉa bớt hoa trong một chùm:

Khi hoa dài khoảng 8-10 cm (40-45 ngày): Ưu tiên giữ lại những nụ hoa ra cùng đợt và những hoa tròn, mập, cuống hoa khỏe, hoa không bị nhiễm sâu bệnh. Để không quá 10 bông/chùm.

Chăm sóc sầu riêng giai đoạn sau khi đậu trái đến thu hoạch:

Quản lý hiện tượng rụng hoa, trái: Thời kì cây ra hoa, đậu quả là thời kì cây nhạy cảm nhất, là thời điểm quyết định năng suất và chất lượng nông sản. Ở giai đoạn này hiện tượng cây trồng bị rụng hoa, rụng trái non xảy ra rất phổ biến, vì vậy bà con nên chú ý chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng, phải bổ sung đủ chất cho cây trồng và xử lý sớm khi có sự biến động bất thường của thời tiết. Nguyên nhân gây ra hiện tượng rụng hoa, rụng trái trên cây trồng:

Thứ nhất: Sự rụng hoa giai đoạn 04 ngày sau khi hoa nở do không thụ phấn và thụ tinh, không được thụ phấn chéo tự nhiên hoặc thụ phấn bổ sung. Đặc biệt đối với giống tự bất tương hợp (Self-incompatibility) không được thụ phấn chéo thì khả năng thụ phấn và thụ tinh rất kém, cây trồng bằng hạt không bị hiện tượng này.

Quy trình trồng và chăm sóc cây sầu riêng

Cách chăm sóc sầu riêng khi bị cháy lá

Thứ hai: Rụng hoa, rụng trái sinh lý - Hiện tượng rụng hoa, rụng trái sinh lý là thường thấy và rất bình thường. Xảy ra là do thiếu và mất cân bằng dinh dưỡng đặc biệt là dinh dưỡng thiết yếu trung lượng - vi lượng và cạnh tranh dinh dưỡng giữa trái và đọt trong thời gian mang hoa - trái; Cây bị stress do thiếu hoặc thừa nước và mất cân bằng chất điều hòa sinh trưởng. Chúng ta cần kiểm soát hiện tượng này ở mức độ phù hợp nếu không sẽ ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch. Rụng trái sinh lý thường xảy ra ở 2 đợt

Đợt thứ nhất: khi trái còn nhỏ, bằng ngón tay út, lúc vừa xổ nhị được 1-3 tuần, đặc trưng của đợt rụng trái này là trái mang theo cả cuống. Đợt thứ 2: là khi trái ở tuần thứ 6-7 có đường kính trái khoảng 3-5cm tùy vào loại cây trồng, thời điểm trái bắt đầu tạo cơm, đặc trưng là trái rụng không cuống.

Số lượng và tỷ lệ rụng tùy thuộc vào tình trạng của cây. Khi cánh hoa rụng hết báo hiệu quá trình thụ phấn thụ tinh đã hoàn thành, lúc này cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái non. Do cây không thể nuôi dưỡng hết các trái đã đậu nên việc giảm bớt số lượng là vấn đề tất yếu để cây có thể tập trung nuôi dưỡng một số lượng trái nhất định. Lúc này, cây dễ bị thiếu hụt một số chất điều hòa sinh trưởng dẫn đến tạo tầng rời ở cuống trái và trái sẽ rơi ra khỏi cây, đây cũng là thời điểm cây thường thiếu và mất cân bằng dinh dưỡng nhất, dễ mẫn cảm với bệnh nhất. Hiện tượng rụng trái sinh lý là nhằm mục đích bảo vệ sức sinh trưởng của cây, khi số lượng trái trên cành quá nhiều vượt sức chịu đựng của cây thì chúng phát sinh cơ chế tự bảo vệ và thích nghi, điều đó được thể hiện ở hiện tượng tự rụng đi một phần trái để duy trì khả năng sinh trưởng, phát triển của cây bình thường. Đồng thời, việc cung cấp thừa đạm dẫn đến phát triển ngọn và cạnh tranh trực tiếp dinh dưỡng với trái, làm chất lượng trái giảm sút, dễ rụng hoa rụng trái.

Thứ ba: Rụng hoa, rụng trái do cây bị nhiễm nấm bệnh, gặp điều kiện bất thuận từ thời tiết. không thuận lợi, chăm sóc dinh dưỡng không đầy đủ và cân đối dẫn đến chất lượng hạt phấn không tốt, sức sống hạt phấn kém do sự xuất hiện nhiều hoa dị hình làm cản trở quá trình thụ phấn thụ tinh.

Khi quan sát thấy trái rụng ở phần tiếp giáp giữa đài hoa và núm trái thì có thể xem hiện tượng này là do cây có thể đã bị nhiễm sâu bệnh, gặp điều kiện bất lợi từ thời tiết như hoặc khi gặp mưa nhiều, trái bị vàng, rụng nhiều phần lớn là do cây nhiều trái, thiếu dinh dưỡng lại bị “sốc nước”. Nếu kết hợp mất cân bằng dinh dưỡng thì hiện tượng rụng hoa-trái non diễn ra phức tạp hơn, khó kiểm soát, có thể rụng tới 70-80% số hoa, trái trên cây.

Tóm lại: Do quá trình thụ phấn không được hoàn thành dẫn đến hiện tượng rụng hoa. Thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều; chăm sóc dinh dưỡng không đầy đủ và cân đối hoặc tưới thừa nước dẫn đến chất lượng hạt phấn không tốt, sức sống hạt phấn kém do sự xuất hiện nhiều hoa dị hình làm cản trở quá trình thụ phấn thụ tinh. Do đó bà con cần tìm hiểu và phân biệt kỹ những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng rung hoa, rụng trái là rụng do sinh lý tức là từ yếu tố cạnh tranh dinh dưỡng và rụng do điều kiện bất thuận từ thời tiết như mưa nắng thất thường gây sốc nhiệt, sốc nước, ít ánh sáng và nấm bệnh tấn công, … để có các biện pháp chăm sóc phù hợp nhất cho cây trồng.

Giai đoạn từ 1 đến 3 tuần sau khi đậu trái (sau xả nhị 1 tuần), sử dụng bộ đôi Amine + Calcium Boron (có thể kết hợp với GA3 theo liều khuyến cáo) và bộ đôi Amine + Sitto Gum-Boro vào giai đoạn 5-6 tuần sau khi đậu trái, liều dùng 1 cặp cho 300-400 lít nước.

Quản lý hiện tượng lệch trái, giật hộc, méo trái:

Có nhiều nguyên nhân làm cho trái sầu riêng phát triển không đều và mẫu mã không đẹp như mong đợi là do một số nguyên nhân sau: Hoa thụ phấn không đủ, thụ tinh không hoàn toàn, rất dễ nhận thấy giai đoạn trái trứng cút; Trong quá trình cây đang nuôi quả thì đi đọt, đặc biệt giai đoạn 4-8 tuần sau khi đậu trái, giai đoạn trái trứng ngỗng (bằng nắm tay), làm rụng trái, méo trái (cong đít trái), giật hộc, lệch tâm; Để quá nhiều quả trên cùng một chùm: Cạnh tranh dinh dưỡng, rụng trái, giật hộc, lép hộc.

Giai đoạn từ 4-8 tuần sau khi đậu trái: lúc này bà con quan sát thấy trái tròn đều thì đây là kết quả của sự thụ phấn hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu cây bắt đầu đi đọt ở giai đoạn này thì sẽ làm cho trái kém phát triển, làm méo trái hay còn gọi giật hộc. Bà con sử dụng bộ đôi Sitto Gum-Boro và Amino Kyto (khi không có biểu hiện đi đọt non) hoặc Sitto Gum-Boro và Amine (khi có dấu hiệu bắn đọt) vào thời điểm 40-45 ngày sau khi xả nhị (trái trứng ngỗng). Phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày, liều dùng 200 ml/200 lít nước mỗi loại. Sitto Gum-Boro được bổ sung các acid amin giúp cây tự tạo ra chất kích thích sinh trưởng nội sinh giúp trái lớn nhanh, tăng kích cỡ theo chiều ngang, kích thích tạo cơm dày, thịt chắc, lỏi nhỏ, vỏ mỏng, nặng ký. Sitto Gum-Boro giúp phình to các hộc lép, các hộc cơm ít phình to, tăng lượng cơm trong hộc lép. Giảm hiện tượng méo trái, lép trái.

Giai đoạn trái đạt trọng lượng 0.5-1.0 kg: Bà con phun Sitto Gum-Boro + Calcium Boron + Sitto Zn-Mg để lớn trái, chắc cơm. Sitto Gum-Boro giúp gia tăng diệp lục tố, giúp cây - trái quang hợp tốt để chuyển hóa dưỡng chất hiệu quả, kéo dài thời gian thu hoạch khi cần. Calcium Boron và Sitto Zn-Mg để cung cấp dinh dưỡng Bo và Mg giúp khắc phục hiện tượng sượng cơm, cháy múi.

Quản lý phân bón:

Việc bón phân nuôi trái từ sau khi đậu trái đến thu hoạch tuỳ thuộc vào từng giống khác nhau mà có số lần bón phân khác nhau. Đối với giống sầu riêng Ri6 do thời gian thu hoạch sớm hơn sầu riêng Monthong 15-20 ngày. Vì vậy thời gian bón phân cho cây Ri6 giai đoạn nuôi trái cần sớm hơn so với giống Monthong khoảng 10-15 ngày. Bà con lưu ý các thời điểm quan trọng trong thời gian phát triển trái để tiến hành cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây đủ khả năng nuôi trái. Đậu trái (25-30 ngày): Sử dụng NPK tỷ lệ 1:1:1 và Ca, Bo; Nuôi trái (55-60 ngày): Sử dụng NPK tỷ lệ 2:1:3 và KNO3, Ca, Bo; Nuôi trái (80-85 ngày): Sử dụng NPK tỷ lệ 2:1:3 và KNO3, Ca, Bo.

Giai đoạn trái chuyển từ non sang già (60 ngày sau đậu trái trở đi) là giai đoạn tích lũy tinh bột nên cây rất cần các vi lượng như Mg2+, Zn2+, Cu2+… giúp cho cây quang hợp tốt, trái không bị sượng. Khi trái chuyển hóa tinh bột thì việc bổ sung Kali (kali SOP) và hạn chế hiện tượng đi đọt non trong thời gian này là rất cần thiết. Vì bón kali đỏ và đi đọt làm trái dễ bị sượng.

Thu hoạch:

Xác định thời điểm thu hoạch dựa thời gian phát triển trái của từng đặt tính giống từ xả nhị đến chín. Đối với sầu riêng Monthong là 125-135 ngày và đối với sầu riêng Ri6 là 105-115 ngày. Do đó thời gian thu hoạch tốt nhất là trước khi trái chín từ 5-7 ngày, tránh tình trạng thu hoạch quá sớm, hay quá muộn, đặc biệt không để trái tự rụng xuống đất, đều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái.

Ngoài ra, việc thu hoạch còn được dựa vào dấu sơn phân biệt các đợt trái trên cây. Dựa vào hình thái bên ngoài sự nở của gai trái, khi trái chín gai trên múi sầu riêng nở, rãnh trái sâu hơn và dựa vào âm thanh khi gõ trái. ‘Tuyệt đối không thu hoạch trái Sầu riêng khi chưa đạt tuổi’

Tags:
4.33 3 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.92679 sec| 905.797 kb