Mặc dù trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, không tổ chức được lễ ký kết trực tiếp, nhưng để tăng cường hợp tác giữa Tổng cục quản lý thị trường và Cục Bảo vệ thực vật, “Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Bảo vệ thực vật” vẫn được ký kết theo hình thức luân phiên.
Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị được ký kết ngày 14/5
Theo đó, ngày 14/5/2021, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Tổng Cục QLTT) và ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Cục BVTV) đại diện cho các Bên đã trực tiếp ký vào Bản Quy chế. Đây là thỏa thuận nhằm tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin và tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Quy chế phối hợp giữa Tổng Cục QLTT và Cục BVTV gồm 3 Chương, 9 Điều và có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong đó, có 9 nội dung phối hợp và quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Đặc biệt, tại Chương II, Điều 5 của Quy chế nêu rõ: Hai bên thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Hai bên tin tưởng rằng, với sự ra đời của Quy chế phối hợp, sẽ có các hành động ngăn chặn kịp thời và đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả của vật tư nông nghiệp trong sản xuất trồng trọt của nông nghiệp nước nhà.
Lực lượng QLTT kiểm tra một điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp: ảnh: dms.gov.vn
Trước đó, ngày 11/5, Tổng Cục QLTT cũng đã thành lập Tổ công tác về quản lý thị trường. Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp đỡ Tổng cục trưởng tiếp nhận, thu thập, xác minh thông tin các vụ việc vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về sản xuất buôn bán, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quy mô, số lượng lớn hoạt động trên địa bàn, có tính chất đường dây ổ nhóm phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Xây dựng đề xuất các giải pháp, phương án đấu tranh phòng chống và xử lý vi phạm pháp luật. Trình Tổng cục trưởng xem xét phê duyệt; phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tổ chức thực hiện công tác kiểm tra và đôn đốc, giám sát việc chấp hành pháp trong phòng chống vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo chỉ đạo Tổng cục trưởng và quy định của pháp luật...