Thứ 5, 21/11/2024, 23:43 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Giải pháp phòng và trị bệnh nguy hiểm thường gặp trên cây sầu riêng trong mùa mưa

Giải pháp phòng và trị bệnh nguy hiểm thường gặp trên cây sầu riêng trong mùa mưa
(Tieudung.vn) - Thường xuyên thăm kiểm tra vườn, kiểm tra hệ thống thoát nước, tránh tình trạng đọng nước kéo dài, không để nước tù đọng trên mương, trong hố trồng.

Nguyên tắc chung để phòng trị bệnh trong mùa mưa:

Vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, tạo tán thông thoáng để ánh sáng chiếu vào được trong thân. Phun ngừa các loại thuốc bảo vệ thực vật có khả năng gia tăng sức đề kháng sau cắt tỉa. Loại bỏ các bộ phận của cây bị nhiễm bệnh ra khỏi vườn, xử lý tiêu hủy để hạn chế cho nấm bệnh phát tán.

Rải vôi đầu mùa mưa nhằm sát khuẩn môi trường, trung hoà lượng axit trong đất, nâng độ pH đất, sát khuẩn làm giảm mật số các vi sinh vật có hại trong đất, bổ sung lượng Canxi tăng khả năng chống chịu cho cây trồng. Tăng cường bón phân có chứa Kali cao và phun các phân bón lá có chứa vi lượng, amino acid (hạn chế các phân bón có đạm), giúp tăng khả năng điều tiết nước và hút đạm của cây trồng.

Giải pháp phòng và trị bệnh nguy hiểm thường gặp trên cây sầu riêng trong mùa mưa

Cán bộ kỹ thuật công ty Sitto Việt Nam cùng nông dân kiểm tra câu sầu riêng tại vườn

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất phòng trị nấm bệnh phổ biến như: Metalaxyl, Azooxystrobin, Propineb, Copper, Dimethorph, Fostyl Al, Hexaconzole, Phosphonate… để phòng bệnh bảo vệ cho cây. Áp dụng các biện pháp sinh học như chế phẩm có nguồn gốc từ các dòng vi sinh vật có lợi hoặc chế phẩm sinh học đươc chiết xuất dạng các enzyme để ức chế và tiêu diệt nấm gây bệnh.

Giải pháp phòng và xử lý bệnh thối trái

Với cây đã bị nhiễm bệnh: Bà con cho cắt tỉa và thu gom những trái, cành lá đã nhiễm bệnh mang ra khỏi vườn tiêu hủy, tránh lây lan sang cây khác. Sử dụng thuốc đặc trị phun ướt đẫm thân, cành lá, quả để sát khuẩn, diệt nấm, lưu ý sử dụng sản phẩm không gây nóng lá, lem trái. Sử dụng chế phẩm sinh học đươc chiết xuất dạng các enzym để ức chế và tiêu diệt nấm gây bệnh.

Giải pháp phòng và trị bệnh nguy hiểm thường gặp trên cây sầu riêng trong mùa mưa

Cán bộ kỹ thuật công ty Sitto Việt Nam cùng người dân kiểm tra độ pH trong vườn sầu riêng

Với vườn chưa bị hoặc áp dụng giải pháp đề phòng bệnh: Chọn giống tốt, sức đề kháng cao. Mật độ trồng thích hợp bảo đảm sự thông thoáng cho vườn phát triển, khoảng cách trồng 7-10m (đối với vườn thiết kế cơ bản). Kiểm tra hệ thống thoát nước cho tốt, tránh ngập úng, ẩm thấp, cải tạo đất tơi xốp, thông thoáng khí cũng là giải pháp giúp kiểm soát, ngăn chặn nấm khuẩn gây bệnh phát sinh, đồng thời nuôi dưỡng bộ rễ khỏe, nền đất sạch khỏe. Bổ sung dinh dưỡng cân đối đa trung vi lượng, tránh dư thừa đạm. Tỉa trái, tỉa cành thông thoáng, không để cành sát mặt đất, trái sát nhau nên kê miếng sốp lót ở giữa để tránh lây mầm bệnh. Định kỳ sử dụng các hoạt chất phòng trị nấm bệnh Propineb, Mancozeb cho cây, phun ướt đẫm lên trái, thân, cành, lá. Có thể dùng chế phẩm sinh học đươc chiết xuất dạng các enzyme để ức chế và tiêu diệt nấm gây bệnh.

Giải pháp phòng và xử lý bệnh nứt thân xì mủ, thối thân, thối rễ

Tạo vườn cây thông thoáng, giảm ẩm độ vào mùa mưa, tạo điều kiện cho cây nhận đủ ánh nắng mặt trời là giải pháp tốt để phòng ngừa nấm bệnh. Tạo rãnh thoát nước, chống ngâp úng cho vườn, đặc biệt khu vực quanh gốc cây. Hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ gần gốc, cắt bỏ những bộ phận của cây bị bệnh và tiêu hủy bên ngoài lô trồng.

Bón vôi, phân hữu cơ, vi lượng và các amino acid nhằm cải tạo đất, cung cấp đủ dinh dưỡng phục hồi cây. Sử dụng các tác nhân sinh học như Trichoderma asperellum, Streptomyces hoặc Bacillus subtilis để ức chế, tiêu diệt mầm bệnh. Trước mùa mưa hàng năm nên quét gốc hay bề mặt vết cắt thân, cành bằng dung dịch đồng đỏ để bảo vệ cây khỏi các tác nhân gây bệnh. Phun thuốc diệt nấm như fosetyl-Al, hỗn hợp Bordeaux, Copper Oxychloride, Dimethomorph,…

Giải pháp phòng và trị bệnh nguy hiểm thường gặp trên cây sầu riêng trong mùa mưa

Thường xuyên thăm kiểm tra vườn, kiểm tra hệ thống thoát nước, tránh tình trạng đọng nước kéo dài trong vườn

Khi phát hiện cây bị bệnh: Để xử lý triệt để bệnh, nhà vườn cần xử lý nấm trong đất đồng thời xác định rõ nguyên nhân khiến vỏ cây xì mủ là do cây thiếu canxi hay do sâu mọt đục và xử lý tác nhân gián tiếp gây bệnh. Các cây bị bệnh nặng (đã bị thối ở vỏ, thân, gốc) thì dùng dao cạo sạch vết bệnh, phơi nắng cho khô, rồi quét lên đó dung dịch thuốc có hoạt chất Metalaxyl, Propineb, Mancozeb, Fosetyl aluminium, Phosphonate,… kết hợp biện pháp phun xịt lên cây và tưới gốc. Sử dụng chế phẩm sinh học đươc chiết xuất dạng các enzyme phun trực tiếp lên vết bệnh, tưới gốc, phun qua lá và xử lý cả nguồn nước tưới (nếu có thể) để tạo nguồn vi sinh đối kháng ngăn chặn và ức chế bệnh phát triển.

Lưu ý: Không nên sử dụng các loại phân bón có chứa Đạm giai đoạn cây bị bệnh và không nên sử dụng phân hóa học khi bộ rễ chưa phục hồi vì rất dễ gây ngộ độc.

Giải pháp phòng và xử lý bệnh nấm hồng

Mật độ trồng thích hợp, cắt tỉa cành nhánh thường xuyên, tạo tán thông thoáng trong tán cây và trong vườn, cung cấp đầy đủ ánh sáng cho cây quang hợp tốt, giảm tình trạng độ ẩm cao; Những cành bệnh, cành chết cần được xử lý và tiêu hủy tránh lây lan. Chăm sóc cây tốt, tưới nước, bón phân đầy đủ giúp tăng cường sức đề kháng để cây đủ sức kháng lại bệnh hại.

Khi cây có dấu hiệu bệnh thì phun thuốc đặc trị có chứa hoạt chất gốc đồng, gốc Triazole (Hexaconazole, Difenoconazole), gốc sinh học (Validamycin A),… hoặc sử dụng chế phẩm sinh học đươc chiết xuất dạng các enzyme để ức chế và tiêu diệt nấm. Kết hợp cung cấp chất dinh dưỡng để cây sinh trưởng và phát triển tốt, đủ khả năng để chống lại mầm bệnh, trong số đó nhà vườn có thể sử dụng phân hữu cơ vi sinh.

Giải pháp phòng và xử lý bệnh đốm rong

Không trồng mật độ quá dày, để vườn có khoảng trống đón ánh nắng mặt trời và thoát độ ẩm không khí. Cải tạo đất tơi xốp, bón phân cân đối giữa hữu cơ và vô cơ, tránh bón thừa đạm, bổ sung đầy đủ trung - vi lượng thiết yếu cho cây. Tưới nước đầy đủ, chỉ tưới vùng đất quanh tán cây, giữ cho gốc cây luôn được khô ráo. Bón vôi định kỳ 2-3 lần/năm, giúp sát khuẩn nấm vừa đảm bảo cung cấp đầy đủ Canxi cho cây. Phun thuốc phòng bệnh vào đầu mùa mưa, cuối mùa mưa hoặc khi rửa vườn sau thu hoạch.

Giải pháp phòng và trị bệnh nguy hiểm thường gặp trên cây sầu riêng trong mùa mưa

Nếu được chăm sóc và phát hiện, xử lý kịp thời thì sẽ giảm anh hưởng đến cây và cho năng suất cao

Khi phát hiện bệnh thì sử dụng thuốc gốc đồng hoặc gốc lưu huỳnh để phun lên lá, pha đậm đặc quét lên thân, cành. Có thể quét vôi lên gốc thân vào đầu và cuối mùa mưa để phòng bệnh cho những vườn thường xuyên bị nhiễm bệnh.

Giải pháp phòng và xử lý bệnh thán thư

Bệnh gây hại trên chồi non, cành non, lá, hoa và trái. Bệnh lưu tồn trong cành lá hoặc tàn dư trên mặt đất, trong điều kiện độ ẩm cao, trời mát bệnh phát triển gây hại nặng, nặng nhất trong mùa mưa, khi có sương mù nhiều bệnh gây hại nặng trên bông.

Phòng trừ bệnh thán thư bằng nhiều biện pháp: Tỉa cành, tạo tán tạo vườn cây thông thoáng. Tỉa bỏ cành lá nhiễm bệnh để tránh lây lan. Thu gom lá, cành khô, trái rụng mang đốt, dọn sạch cỏ dưới tán lá để thông thoáng. Chú ý bón phân đầy đủ và cân đối đa lượng NPK, bổ sung các chất trung vi lượng thích hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Sử dụng biện pháp như bao trái để bảo vệ. Phun thuốc ở các thời điểm bệnh có thể xuất hiện như chồi non, lá non, hoa, trái còn nhỏ. Bà còn có thể sử dụng các thuốc gốc đồng (Copper Oxychloride, Copper Hydroxide, Copper sulfate, Copper citrate), thuốc gốc Dithiocarbamate (Zineb, Mancozeb, Propineb), thuốc nội hấp Triazole (Hexaconazole, Difenoconazole, Propiconazole, Tebuconazole), thuốc diệt nấm phổ rộng Strobilurin (Azoxystrobin).

Lưu ý: Để các thuốc trừ bệnh có hiệu quả cao cần phun đúng lúc khi bệnh mới phát sinh, phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày và phun đủ lượng nước.

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.39901 sec| 821.734 kb