Thứ 2, 25/11/2024, 14:12 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Giải pháp canh tác lúa thông minh cho vùng đất nhiễm mặn đạt hiệu quả cao

Giải pháp canh tác lúa thông minh cho vùng đất nhiễm mặn đạt hiệu quả cao
(Tieudung.vn) - Mô hình canh tác lúa thông minh vụ Hè Thu tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Bến Tre đã cho năng suất bình quân cao hơn ngoài mô hình từ 100 - 300kg/ha, lợi nhuận tăng từ 1,6 – 3,4 triệu đồng/ha.

Chiều 21/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty CP Phân bón Bình Điền kết hợp với Trung tâm Khuyến nông 3 tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang tổ chức tổng kết chương trình canh tác lúa thông minh đợt 4 với chủ đề “Giải pháp canh tác thông minh cho vùng đất nhiễm mặn ĐBSCL”.

Giải pháp canh tác lúa thông minh cho vùng đất nhiễm mặn đạt hiệu quả cao

Mô hình được thực hiện tại ấp Mương Kinh, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất, Kiên Giang

Bạc Liêu, Kiên Giang và Bến Tre là 3 địa phương ven biển vùng ĐBSCL, nông dân trồng lúa nơi đây hằng năm gặp không ít khó khăn do xâm nhập mặn cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu. Hơn thế, đây còn là những vùng đất bị nhiễm phèn, thiếu nước tưới và thời tiết thất thường nên khó khăn lại càng chồng thêm khó khăn.

Với Canh tác lúa thông minh, bên cạnh việc mang đến cho bà con các gói kỹ thuật canh tác đồng bộ, chương trình đã đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước mặn, pH tự động; trang bị cho nông dân máy phun phân bón, bút đo độ mặn cầm tay, bộ test đo pH; phân tích mẫu đất đầu vụ; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng các giải pháp canh tác thông minh trong điều kiện nhiễm mặn, giúp nông dân trong mô hình trở thành “chuyên gia”, làm chủ được tình hình và mang lại hiệu quả canh tác cao trên đồng ruộng.

Cụ thể, kết quả mô hình vụ Hè Thu 2021 vừa qua tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Bến Tre đạt hiệu quả cao: Tại Bạc Liêu mô hình được triển khai tại xã Phong Tân, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) vùng đất đất canh tác lúa luôn gặp khó khăn, nhưng nông dân nơi đây tham gia mô hình canh tác lúa thông minh trong vụ hè thu 2021 rất phấn khởi vì giúp giảm được lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc BVTV, chi phí làm đất, công lao động, thu hoạch… Cụ thể, lượng giống gieo sạ trong mô hình sử dụng 80kg/ha, giảm 20kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất giảm 33,2kg/ha Đạm, 28,7kg/ha Lân; Số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng. Ruộng trong mô hình năng suất cao hơn so với ruộng đối chứng 170 kg/ha, lợi nhuận cao nhất là 14,5 triệu đồng/ha ở ruộng mô hình.

Giải pháp canh tác lúa thông minh cho vùng đất nhiễm mặn đạt hiệu quả cao

Tại Bạc Liêu, mô hình đạt lợi nhuận 18,7 triệu đồng/ha, cao hơn 4,16 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho biết: Việc triển khai thực hiện mô hình là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu sản xuất thực tế của địa phương nhằm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác mới giúp bà con nông dân ứng phó và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt. Bên cạnh đó, mô hình góp phần giúp người dân dần thay đổi tập quán canh tác gieo sạ với mật độ hợp lý, sử dụng phân bón đúng, đủ về đa trung vi lượng giúp cây lúa chống chịu với điều kiện môi trường và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chi phí.

Tại Kiên Giang, ông Lê Văn Dũng, Trưởng Phòng và Chuyển giao kỹ thuật - Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh nằm ven biển hàng năm nông dân trồng lúa gặp không ít khó khăn do xâm nhập mặn vào cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu. Hơn nữa, vùng đất này thiếu nước tưới và bị phèn gây khó khăn trong canh tác lúa.

Qua nhiều năm Kiên Giang tham gia chương trình canh tác lúa thông minh đã mang lại nhiều kết quả như mong muốn. Cụ thể, vụ lúa Hè Thu 2021, mô hình được thực hiện tại ấp Mương Kinh, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất với giống Đài Thơm 8 bằng hình thức cấy tay, và giống OM 4900 bằng hình thức sạ lan bằng máy phun. Lượng giống gieo sạ trong mô hình và đối chứng tương đương nhau trung bình 80kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất mô hình giảm 20,75kg/ha Đạm, 5,5kg/ha Lân, 22,5kg/ha Kali; Số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng. Năng suất trong mô hình đạt 6,2tấn/ha lúa tươi, tăng 200kg/ha; Lợi nhuận đạt 18,7 triệu đồng/ha, cao hơn 4,16 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Giải pháp canh tác lúa thông minh cho vùng đất nhiễm mặn đạt hiệu quả cao

Tại Kiên Giang, ruộng trong mô hình năng suất cao hơn so với ruộng đối chứng 170 kg/ha, lợi nhuận cao nhất là 14,5 triệu đồng/ha ở ruộng mô hình.

Tại Bến Tre, mô hình được thực hiện tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri với giống OC 10 bằng phương pháp sạ lan bằng tay. Lượng giống gieo sạ trong mô hình và đối chứng sử dụng tương đương nhau 100kg/ha; Lượng phân bón nguyên chất giảm 31kg/ha Đạm, 9kg/ha Lân; Số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng. Năng suất trong mô hình đạt 5,2tấn/ha lúa khô, tăng 650kg/ha; Lợi nhuận đạt 17,756 triệu đồng/ha, cao hơn 4,73 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Ông Doãn Văn Chiến- Phó trưởng Văn phòng thường trực Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, qua kết quả đạt được của 3 tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Bến Tre cho thấy khi bà con làm chủ được đầu vào cũng như áp dụng linh hoạt đồng bộ các giải pháp thì vấn đề đạt được năng suất và lợi nhuận là trong tầm tay. Vụ Hè Thu 2021, năng suất trong mô hình của 3 tỉnh tăng từ 170-650kg/ha và lợi nhuận tăng thêm từ 0,85 đến 4,73 triệu đồng/ha so với đối chứng. Điều này càng củng cố thêm cơ sở để mô hình Canh tác lúa thông minh tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai quá trình tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thông minh đến bà con nông dân. Tuy có khó khăn nhưng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty CP Phân bón Bình Điền, các nhà khoa học và Trung tâm Khuyến nông các địa phương ĐBSCL cùng bà con nông dân đã nỗ lực rất lớn để kết nối tham gia thực hiện thành công mô hình canh tác lúa thông thắng lợi trong vụ hè thu năm 2021.

Giải pháp canh tác lúa thông minh cho vùng đất nhiễm mặn đạt hiệu quả cao

Ông Doãn Văn Chiến- Phó trưởng Văn phòng thường trực Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (phải) và Ông Phan Văn Tâm - GĐ. Marketing, Cty CP Phân bón Bình Điền (trái)

Qua kết quả tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh ở 13 tỉnh thành ĐBSCL đều đạt kết quả tốt và đã chứng minh được về mặt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong mô hình mang lại đều cao hơn so với canh tác lúa ngoài mô hình. Qua đó khẳng định chương trình đã đi đúng hướng và giúp cho bà con nông dân tăng hiệu quả kinh tế thông qua mô hình canh tác lúa thông minh.

Theo ông Đông, để tiếp bước thành công từ vụ hè thu 2021, các vụ lúa tiếp theo mong muốn bà con nông dân mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa cho những cánh đồng của mình.

Ông Phan Văn Tâm, GĐ Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, công ty Bình Điền mong muốn nỗ lực kết nối ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Thông qua các nền tảng như: YouTube, Facebook, Zalo…để truyền tải được nhiều giải pháp kỹ thuật, qua đó nhằm hướng dẫn, tập huấn canh tác lúa đến bà con nông dân ở ĐBSCL thích ứng sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Tags:
4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
0.98154 sec| 815.492 kb