Những việc cần làm như sau:
Tỉa cành, tạo tán: Ngay sau khi thu hoạch vụ tết, vườn cây phải được tỉa cành để kích thích cây ra chồi mới tập trung, khỏe mạnh, giúp tán cây thông thoáng, nhận đầy đủ ánh sáng và gió. Tỉa cành kết hợp với sửa tán khi cành quá dài hay quá cao hoặc tán cây quá lớn thiếu cân đối. Cắt bỏ tối đa không quá 25% số cành trong tán.
Bón vôi: Trong thâm canh, đất vườn cây ăn trái dễ bị chua hóa do cây phải hấp thụ nhiều dưỡng chất. Bón vôi có tác dụng làm đất giảm chua, hạn chế ngộ độc sắt, nhôm và mangan cho cây. Canxi trong vôi giúp đất phục hồi cấu trúc, ít bị nén dẽ thấm nước tốt. Ngoài ra, vôi còn ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực của phân hữu cơ và cung cấp dưỡng chất can-xi cho cây.
Hàng năm nên bón từ 300-500 kg vôi /ha hoặc bón phân Đầu Trâu Mặn-Phèn bằng cách rải đều trên mặt đất, xới nhẹ cho trộn đều vào lớp đất mặt.
Sử dụng sản phẩm Đầu Trâu Mặn - Phèn giúp khắc phục hạn chế hiện tượng chua của đất.
Bón phân hữu cơ: Mặc dù hàm lượng dưỡng chất trong phân hữu cơ ít nhưng cung cấp cân đối một cách từ từ cho cây. Phân hữu cơ còn làm gia tăng hiệu quả sử dụng phân hóa học, cải thiện cấu trúc của đất, giữ nước và làm tăng mật số vi sinh vật có lợi trong đất. Ngoài ra phân hữu cơ còn kích thích cây trồng phát triển.
Bón bùn mương: Bùn đáy mương chứa chất hữu cơ và phù sa có thể sử dụng để bón cho đất vườn cây ăn trái. Bùn đáy mương được bón trong mùa nắng, từ 1-2 năm/lần tùy thuộc lượng bùn có ở đáy mương. Sau khi rút cạn nước trong mương, bùn đáy mương được đưa lên liếp bằng gàu hay máy bơm bùn một lớp mỏng khoảng 2-3 phân trên mặt liếp.
Bón phân vô cơ: Để có năng suất và chất lượng cao, cây cần được bón thêm phân vô cơ. Liều lượng phân tùy thuộc vào các yếu tố như loại cây, tuổi cây, năng suất vụ trước, loại đất và giai đoạn sinh trưởng của cây.
Bón phân theo 3 giai đoạn sau:
Phân chuyên dùng Đầu Trâu AT1, AT2 và AT3 của Công ty CP Phân bón Bình Điền
*Giai đoạn ngay sau thu hoạch:
Bón sau khi tỉa cành tạo táng để cây mau phục sức, nuôi cành lá mới chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Xới đất thành băng xung quanh gốc theo hình chiếu của tán, rộng khoảng 50 cm và sâu khoảng 10 cm. Nếu liếp trồng hai hàng và cây đã giáp tán thì xới một băng dài giữa liếp và băng xương cá giữa 2 cây trên hàng. Bón phân vào những băng đã xới.
Phân NPK bón cho cây giai đoạn nầy cần có tỷ lệ N cao, bằng cách trộn 2 phần urê + 2 phần DAP + 1 phần KCl hoặc sử dụng phân “Đầu Trâu AT1” để bón với liều lượng 1-2 kg/cây/lần, tùy loại cây và tình trạng sinh trưởng của cây. Nếu cây sinh trưởng quá kém có thể bổ sung thêm 0,2 – 0,3 kg phân đạm hạt vàng Đầu Trâu 46A+.
*Giai đoạn trước khi cây ra hoa:
Khoảng 1-2 tháng trước khi cây ra hoa tiến hành bón phân để giúp những lá đang phát triển mau trưởng thành, không cho chồi mới mọc ra nữa gây cạnh tranh dinh dưỡng và cũng để kích thích sự phân hóa mầm hoa. Phân NPK bón cho cây giai đoạn nầy có tỷ lệ P cao, được chuẩn bị bằng cách trộn 2 phần DAP + 1 phần KCl hoặc sử dụng phân “Đầu Trâu AT2” để bón với liều lượng từ 1-2 kg/cây/lần, tùy theo tuổi và loại cây.
*Giai đoạn cây đậu trái và trái phát triển:
Bón phân ở giai đoạn đậu trái là nhằm hạn chế rụng trái non, còn bón phân lúc trái phát triển là để gia tăng kích thước và chất lượng trái, vì đây là giai đoạn trái tích lũy chất dinh dưỡng. Phân bón NPK bón cho cây ở giai đoạn nầy có tỷ lệ K cao vì K là chất của chất lượng, bón nhiều kali là để tăng cường sự chuyển vận sản phẩm quang hợp từ lá vào trái.
Phân được chuẩn bị bằng cách trộn 1 phần urê + 2 phần DAP + 2 phần KCl hoặc sử dụng phân “Đầu Trâu AT3” để bón với liều lượng từ 1-2 kg/cây/lần. Ở giai đoạn nầy, phân có thể được bón nhiều lần tùy thuộc vào thời gian mang trái của từng loại cây.