Ngày 26/5/, tại huyện Tân Yên, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ xuất hành vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản. Theo đó, hơn 20 tấn vải sớm Tân Yên đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không
Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu các lô hàng vải thiều đầu tiên của Bắc Giang sang thị trường Nhật Bản trong năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan đã lên phương án triển khai từ đầu tháng 5.
Kiểm tra sinh vật hây hại và đo nhiệt độ tâm vải xử lý
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành văn bản số 907/BVTV-KD ngày 12/5/2021, chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục BVTV bố trí cán bộ kiểm dịch làm việc cả ngày lễ và ngoài giờ để làm các thủ tục kiểm dịch nhanh chóng, và chủ động phối hợp hợp tác với Cơ quan kiểm dịch thực vật (KDTV) của Nhật Bản để hoàn tất thủ tục cho các lô hàng xuất khẩu và giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh.
Để có lô hàng vải đầu tiên xuất khẩu đi Nhật Bản, từ ngày 24/5, Cục BVTV đã phối hợp cùng địa phương và các đơn vị đối tác đã bắt đầu thực hiện việc xử lý vải tươi bằng Methyl Bromide tại cơ sở xử lý của Công ty Toàn Cầu, cơ sở này đã được phía Nhật công nhận. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch thực vật Nhật Bản đã thống nhất một quy trình ủy quyền tạm thời cho phía Việt Nam thực hiện giám sát xử lý. Cục BVTV triển khai bố trí nhân lực và thiết bị phục vụ việc giám sát và kiểm tra kiểm dịch thực vật cấp giấy chứng nhận tại chỗ (tại cơ sở của công ty Toàn Cầu) để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu vải tại Bắc Giang.
Đưa vải vào buồng xử lý trước khi xuất
Ngay từ đầu tháng 5, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp hợp với địa phương đã lên phương án cho việc xuất khẩu trong tình hình dịch Covid 19, bố trí các biện pháp phòng dịch theo 5K tại điểm giám sát khử trùng, không chỉ cho Cục BVTV mà còn cho các đơn vị phối hợp khác như: các công ty xuất khẩu, đơn vị logistic, Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch để bảo đảm vừa chống dịch, vừa xử lý, đóng gói và vận chuyển. Quan trọng hơn cả là để cho những người tham gia thực hiện yên tâm vào vùng dịch làm việc.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội; các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, Bắc Giang đã xây dựng các kịch bản hết sức cụ thể cho vụ vải thiều năm 2020.
“Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành; đặc biệt là sự quan tâm vào cuộc của doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước cùng đồng hành với chính quyền và người dân tỉnh Bắc Giang, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, tiêu thụ vải thiều”, ông Tuấn cho biết thêm.
Vải thiều Tân Yên là một trong những vùng trồng được cấp mã số tại Bắc Giang
Được biết, để thực hiện kế hoạch xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản, năm 2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV khảo sát, cấp mã số vùng trồng, chuẩn bị tốt các điều kiện để xuất khẩu như: cơ sở xông hơi, khử trùng, bảo quản, đóng gói sản phẩm, phân tích mẫu sản phẩm... Sở NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát người sản xuất áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 30 mã số vùng trồng với 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 nghìn tấn đủ các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Công ty CP XNK Thực phẩm Toàn cầu cũng đã xây dựng cơ sở xông hơi, khử trùng, đóng gói sản phẩm tại (tại Phố Kim - huyện Lục Ngạn). Kết quả phân tích các mẫu sản phẩm tại các mã số vùng trồng đều đảm bảo các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường bạn.
Hiện, đã có 5 doanh nghiệp vào ký Hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, giá thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân là 55.000 đ/kg.